Phần lớn các mặt hàng Mỹ xuất sang Việt Nam chịu thuế khoảng 15%

Đánh giá mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp với hàng hoá Việt Nam là rất cao, phía Bộ Tài chính cho biết, phần lớn các mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam đang chịu mức thuế suất khoảng 15% hoặc thấp hơn, ngoại trừ một số ít mặt hàng.

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại với mức thuế dao động từ 10-50%. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%.

Trước thông tin này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Tại họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 3/4, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, nói rằng, mức thuế 46% mà Mỹ áp với hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang quốc gia này là mức rất cao. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các ngành có tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ như các sản phẩm điện tử, dệt may, da giày, nông nghiệp…

Phần lớn các mặt hàng Mỹ xuất sang Việt Nam chịu thuế khoảng 15%- Ảnh 1.

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

Ông Tuấn cho biết, thời gian vừa qua để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời với thế giới và để phấn đấu đạt được với mục tiêu tăng trưởng 2 con số, Bộ Tài chính đã rà soát tổng thể các mức thuế suất để từ đó tham mưu Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2025 trong đó điều chỉnh giảm đáng kể mức thuế suất nhập khẩu của 16 nhóm mặt hàng như ô tô, sản phẩm nông nghiệp, ethanol, gỗ…

Nói về mức thuế Mỹ công bố sáng nay, ông Tuấn nhắc lại rằng, khi Chính phủ ban hành Nghị định 73, Bộ Tài chính đã rà soát lại toàn bộ các mức thuế đang áp dụng với hàng nhập khẩu, cũng như các sắc thuế có liên quan khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường…

Các bên lên tiếng về thuế quan đối ứng, Mỹ đưa ra cảnh báo ngắn gọnThành lập ngay tổ phản ứng nhanh về việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam

Ông Tuấn chỉ ra, nếu đọc báo cáo gần đây nhất của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ có thể thấy, mức thuế suất bình quân của biểu thuế của Việt Nam chỉ là 9,4%.

Phần lớn các mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam đang chịu mức thuế suất khoảng 15% hoặc thấp hơn, ngoại trừ một số ít mặt hàng.

"Mặt bằng thuế quan của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với mức 90% cũng như mức 46%. Cần làm rõ ngoài yếu tố thuế thì yếu tố gì, lý do gì để Mỹ đưa ra thuế đối ứng 46%, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp", ông Tuấn nói.

Phần lớn các mặt hàng Mỹ xuất sang Việt Nam chịu thuế khoảng 15%- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì họp báo.

Trả lời thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đã rất chủ động rà soát điều chỉnh mức thuế các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ Mỹ.

Việc rà soát này, nhìn về tương lai là để hướng tới cân bằng thương mại tốt hơn. Tuy nhiên, thì đây cũng là vấn đề phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác.

Nói về nguyên nhân Mỹ áp thuế đối ứng 46% với các mặt hàng của Việt Nam, ông Chi cho biết "các bộ ngành cũng đang nghiên cứu và tìm hiểu" và nếu các cơ quan báo chí có nghiên cứu biết nguyên nhân là gì thì chia sẻ với Bộ Tài chính để cùng nhau tìm ra giải pháp.

Dù vậy, ông Chi nói rằng mục đích của việc áp thuế là hướng đến cân bằng thương mại, nhưng cân bằng là phải phát triển, đó mới là vấn đề cần hướng tới. Còn nếu cân bằng bằng cách phải tăng thuế thì không phải là phương án tốt cho tất cả các bên.

"Chúng ta cần kiên trì tìm ra các giải pháp, trao đổi, chia sẻ với đối tác Mỹ để hướng tới cân bằng thương mại theo hướng phát triển để người tiêu dùng của cả hai nền kinh tế đều được hưởng lợi", ông Chi nói thêm.