Nâng thành công hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga sân bay Long Thành

Liên danh Vietur, thành viên Kết cấu thép ATAD phối hợp cùng nhà thầu phụ VSL Thụy Sĩ đã nâng thành công hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành).

Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) là dự án trọng điểm hàng đầu quốc gia, nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước cùng sự chỉ đạo sát sao từ Thủ tướng Chính phủ. Liên danh Vietur nhà thầu gói Nhà ga Sân bay 5.10, thành viên Kết cấu Thép ATAD, đơn vị duy nhất trong ngành Kết cấu thép của Việt Nam đạt Thương hiệu Quốc gia và Giải vàng Chất lượng Quốc gia đã phối hợp cùng nhà thầu phụ VSL - thực hiện thành công việc nâng hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga bằng giải pháp kết hợp giữa kéo và đẩy bằng hệ kích thủy lực (Lifting).

Phương pháp Lifting, sử dụng kỹ thuật hiện đại và tiên tiến bậc nhất thế giới, là một trong những công nghệ cao trong ngành kỹ thuật xây dựng hiện đại. Hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga là một trong những module nâng phức tạp và thử thách hàng đầu trong lịch sử ngành xây dựng và là module có quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử nhà ga hành khách hàng không trên thế giới. Việc nghiên cứu kỹ thuật, thiết kế, chuẩn bị giải pháp đã được đội ngũ kỹ sư liên danh Vietur - ATAD thực hiện trong suốt 12 tháng trước khi triển khai thi công. Sự thành công của phương pháp nâng này phụ thuộc vào các tính toán kỹ thuật tỉ mỉ, toàn diện, đảm bảo sự ổn định tuyệt đối của toàn bộ hệ kết cấu trong suốt quá trình nâng lên và đưa vào đúng vị trí thiết kế.

Nâng thành công hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Chi tiết kết cấu thép hỗ trợ nâng hệ mái

Nâng thành công hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga sân bay Long Thành- Ảnh 2.

Kỹ sư ATAD và kỹ sư VSL kiểm tra lắp đặt kích nâng

Để đảm bảo việc nâng mái thép chính xác và an toàn, đội ngũ kỹ sư của ATAD đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia hàng đầu đến từ tập đoàn VSL Thụy Sỹ. Tổng khối lượng phần mái thép lên đến hơn 5.300 tấn, được lắp ráp từ 256 điểm kết nối, đáp ứng tiêu chuẩn kiểm soát của Châu Âu. Phần mái có kết cấu vòm cong với diện tích gần 20.000 m2, trong đó có một cánh vươn (cantilever) dài tới 41 mét nhô ra ngoài. Toàn bộ hệ kết cấu khổng lồ này được nâng lên bằng 56 thiết bị kích thủy lực chuyên dụng, mỗi chiếc có thể chịu tải từ 40 đến 330 tấn, giúp đảm bảo quá trình lắp dựng an toàn và chính xác.

Bên cạnh đó, nhà thầu đã áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống giám sát tải trọng, phần mềm mô phỏng quá trình nâng và lập kế hoạch, công nghệ Scan 3D để đảm bảo độ chính xác trong quá trình sản xuất lắp dựng và BIM (Building Information Modeling) để tối ưu hóa quy trình thi công, nâng cao hiệu suất kỹ thuật và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Công tác kiểm soát các kích thước liên kết, dung sai biến dạng, sự giãn nở nhiệt của kết cấu thép đã được thực hiện một cách chính xác tuyệt đối bởi các thiết bị chuyên dụng, đảm bảo khi module được nâng lên, các liên kết sẽ hoàn hảo và chính xác với hệ kết cấu đã được lắp dựng trước đó.

Nâng thành công hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga sân bay Long Thành- Ảnh 3.

Mái vòm thép được ví như "trái tim" của Sân bay Long Thành

Việc nâng thành công hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong tiến độ xây dựng của dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, như kết luận của Bộ Xây dựng: "Để đảm bảo tiến độ của nhà ga hành khách, công tác nâng dàn kết cấu thép khu trung tâm nhà ga là công việc cực kỳ quan trọng, quyết định đến tiến độ của gói thầu 5.10 nói riêng và tiến độ của toàn dự án nói chung", mà còn là một biểu tượng cho thành tựu tiến bộ kỹ thuật trong ngành xây dựng Việt Nam, chứng minh năng lực của đội ngũ kỹ sư Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới.