Nga, Mỹ tiếp tục hợp tác hiệu quả trong không gian

Nhiệm vụ của lần phóng tàu vũ trụ Soyuz mới nhất, đưa các phi hành gia Mỹ và Nga lên ISS, là thực hiện 50 thí nghiệm khoa học trong không gian.

Một tàu vũ trụ của Nga đã đưa một phi hành gia người Mỹ và 2 phi hành gia người Nga lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) một cách an toàn hồi đầu tháng này.

Sự kiện này được Moscow ca ngợi là một ví dụ về sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ trong không gian.

Tàu vũ trụ Soyuz MS-27 đã cất cánh từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan lúc 10h47 sáng ngày 7/4 (giờ địa phương), đánh dấu sự tiếp tục trong một lĩnh vực hợp tác hiếm hoi giữa Mỹ và Nga kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 3 năm trước.

Sau 3 giờ kể từ khi cất cánh, Soyuz MS-27 – chở phi hành gia người Mỹ Jonathan Kim và hai phi hành gia người Nga Sergei Ryzhikov và Alexei Zubritsky – đã kết nối với ISS, tập đoàn vũ trụ nhà nước Roscosmos của Nga cho biết.

Khi các cửa sập được mở ra, 3 phi hành gia mới đến được nhìn thấy đang mỉm cười và ôm những người bạn đồng hành của họ trên trạm, nơi hiện có 10 người, bao gồm 4 phi hành gia của NASA, 5 người Nga và phi hành gia người Nhật Takuya Onishi.

"Trong suốt 8 tháng trên ISS, Kim sẽ tiến hành nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ, khoa học Trái đất, sinh học, nghiên cứu về con người,...", NASA cho biết trong một tuyên bố.

Nhiệm vụ của lần phóng Soyuz mới nhất là thực hiện 50 thí nghiệm khoa học trong không gian, Roscosmos cho biết, trước khi trở về Trái đất vào ngày 9/12.

Nga, Mỹ tiếp tục hợp tác hiệu quả trong không gian- Ảnh 1.

Tàu vũ trụ Soyuz MS-27 rời bệ phóng tại Sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), ngày 7/4/2025. Ảnh: Cyprus Mail

Mặc dù vẫn tiếp tục hợp tác trong các chuyến bay vào vũ trụ, Mỹ và các nước phương Tây khác đã chấm dứt các quan hệ đối tác khác với Roscosmos như một phần của loạt lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga do xung đột ở Ukraine.

Đặc phái viên đầu tư của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Kirill Dmitriev, người đang cố gắng thúc đẩy việc thiết lập lại quan hệ Mỹ-Nga, sự kiện này là ví dụ mới nhất về mối quan hệ thám hiểm không gian bền chặt có lịch sử bắt nguồn từ năm 1975.

"Sự hợp tác giữa Nga và Mỹ trong ngành công nghiệp vũ trụ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay", ông Dmitriev cho biết, đồng thời đăng một video trên kênh Telegram chính thức của ông về vụ phóng tên lửa.

Ông Dmitriev cho biết thêm rằng, Moscow cũng có thể cung cấp một nhà máy điện hạt nhân nhỏ cho một sứ mệnh lên sao Hỏa do tỷ phú Elon Musk, CEO SpaceX, lên kế hoạch.

Với việc ISS sắp kết thúc thời gian phục vụ, Nga cũng đã công bố kế hoạch khởi động trạm vũ trụ của riêng mình, với 2 module đầu tiên dự kiến sẽ được phóng vào năm 2027.

Moscow cũng đã bắt đầu mở rộng hợp tác không gian với các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, quốc gia duy nhất hạ cánh tàu thăm dò xuống mặt tối của Mặt trăng.

Minh Đức (Theo Reuters, Aljazeera)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cội nguồn sức mạnh giúp những con tàu khổng lồ rẽ sóng khơi xaCội nguồn sức mạnh giúp những con tàu khổng lồ rẽ sóng khơi xa