Dịch sởi lan rộng, thêm 2 ca tử vong trong tuần qua

Hai trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, trong đó có 1 ca đang điều trị ung thư, có nhiều bệnh nền và 1 trẻ nhập viện muộn sau 3 ngày.

Tối 19/4, Bộ Y tế phát đi thông tin cập nhật về tình hình dịch sởi trên cả nước. Trong tuần qua (từ ngày 12 đến 17/4), cả nước ghi nhận 4.122 trường hợp nghi mắc sởi, giảm 8,8% so với tuần trước. 

Tuy nhiên, vẫn ghi nhận hai ca tử vong liên quan đến bệnh này. Trong đó, một bệnh nhân có bệnh nền ung thư, trường hợp còn lại là trẻ nhỏ được đưa đến bệnh viện muộn sau ba ngày khởi phát triệu chứng.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 76.312 ca nghi mắc sởi tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 8.614 trường hợp dương tính, và 10 ca tử vong.

Theo phân tích từ Bộ Y tế, phần lớn các địa phương có số ca mắc tăng mạnh đều nằm tại khu vực phía Bắc. Đây là khu vực bắt đầu ghi nhận đợt bùng phát từ đầu năm nay, trong khi năm 2024, số ca mắc tại đây ở mức rất thấp. Ngược lại, tại các khu vực khác, số ca mắc có xu hướng chững lại và không còn tăng mạnh như thời điểm đầu năm.

Dịch sởi lan rộng, thêm 2 ca tử vong trong tuần qua- Ảnh 1.

Hai trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, trong đó có 1 ca đang điều trị ung thư, có nhiều bệnh nền và 1 trẻ nhập viện muộn sau 3 ngày.

Một điểm đáng chú ý là sự thay đổi về độ tuổi mắc bệnh. Sau khi kết thúc chiến dịch tiêm chủng sởi trước đó, tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm trẻ từ 1 đến 10 tuổi – chiếm 61,4% tổng số ca – đã giảm 6% so với ba tháng đầu năm. 

Tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm nhẹ 0,4% (nhóm tuổi này chưa có chỉ định tiêm chủng). Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm trên 10 tuổi lại có xu hướng tăng, chiếm 35,9% – tăng 6,4% so với trước. Cụ thể, nhóm 11–15 tuổi chiếm 19,2% và nhóm trên 16 tuổi chiếm 16,7%.

Về công tác tiêm chủng, đến hết ngày 17/4, đã có 52/54 tỉnh thành đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% – đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Hai tỉnh còn lại cũng đạt tỷ lệ khá cao, từ 90–95%.

Trước những diễn biến trên, Bộ Y tế đã có công văn gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu rà soát, đăng ký đối tượng tiêm vắc xin phòng sởi. Đồng thời, phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 – đợt 3.

Ngành y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường kiểm soát lây nhiễm, nâng cao năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân sởi, nhất là các trường hợp chuyển nặng.

Dù số ca nghi mắc trong tuần qua có xu hướng giảm, Bộ Y tế vẫn cảnh báo không thể chủ quan. Một số địa phương chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng an toàn (trên 95%), đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa hoặc đô thị lớn, nơi công tác tiếp cận đối tượng còn gặp khó khăn. 

Hà Nội: Ghi nhận 211 ca mắc sởi, ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăngCảnh báo nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do sởi ở người lớn

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về vai trò của tiêm chủng còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại. 

Tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế cơ sở cũng là rào cản khiến nhiều nơi chưa thể triển khai hiệu quả các đợt tiêm phòng.

Để ứng phó hiệu quả, Bộ Y tế nhấn mạnh việc đẩy mạnh truyền thông, tăng cường rà soát và xác định chính xác đối tượng chưa được tiêm chủng, đặc biệt trong nhóm trẻ từ 11 đến 15 tuổi – nhóm đang có tỷ lệ mắc gia tăng nhưng không ít em chưa tiêm đủ hai mũi.

Cùng với đó, các địa phương cần nhanh chóng phối hợp tổ chức triển khai đợt 3 của chiến dịch tiêm chủng sởi năm 2025, đồng thời đảm bảo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy trình phân luồng, thu dung và điều trị bệnh nhân, kiểm soát triệt để nguy cơ lây lan trong cộng đồng.