Đổi tiền lì xì Tết: Ngân hàng nói không, thị trường nóng bỏng

TPO - Những ngày cận Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lẻ càng nhộn nhịp, giá tăng từng ngày. Thậm chí có loại tiền phí đổi lên tới 50%.

Giá tăng từng ngày

Các dịch vụ đổi tiền lẻ những ngày cận Tết Nguyên đán bùng nổ trên các "chợ mạng" zalo, facebook... với đầy đủ các mệnh giá, số lượng. Tại các nhóm này, bài đăng về nội dung đổi tiền lẻ có đến cả trăm bài viết mỗi ngày với đủ lời mời chào hấp dẫn như: “Tiền thật”, “tiền mới”, “giá rẻ nhất thị trường”, “tiền nguyên tem”... Theo đó, phí đổi tiền tăng từng ngày.

Cụ thể, cách đây khoảng 1 tuần, phí đổi 100 tờ 50.000 đồng khoảng 6,5% thì hôm nay đã lên 8%.

Với các mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng nguyên seri phí đổi là khoảng 3-3,5%; loại 100.000 đồng có mức phí khoảng 5-6%. Tương tự, với hàng lướt (tiền đã sử dụng nhưng vẫn còn mới), mệnh giá 100.000 đồng có độ mới khoảng 90% phí đổi là 0,7%/tệp và loại mới đạt 99% thì có mức phí là 2,5%/tệp.

Tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng có phí đổi dao động 10-25% tùy số lượng đổi. Riêng với mệnh giá 2.000 đồng thì mức phí lên đến 50%, nghĩa là muốn đổi 200.000 đồng khách hàng phải thanh toán đến 300.000 đồng.

Đổi tiền lì xì Tết: Ngân hàng nói không, thị trường nóng bỏng- Ảnh 1.

Giá tiền lẻ tăng từng ngày cận Tết Nguyên đán.

Bên cạnh dịch vụ đổi tiền mới , tiền lẻ, “dân buôn tiền” trên mạng còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Nhiều chủ tài khoản rao bán các tờ tiền USD may mắn như; cặp tiền xu Úc rắn mạ vàng, bạc kèm túi gấm đỏ có giá 80.000 đồng/cặp; tiền xu Phật tổ Như Lai có giá 60.000 đồng/xu; tiền xu Hồng Kông - Trung Quốc thần tài mạ vàng giá 60.000 đồng/xu… Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế.

Ngân hàng nói không với đổi tiền

Kể từ năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chính sách hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, đặc biệt là các mệnh giá dưới 10.000 nhằm kiểm soát nguồn cung tiền mặt, giảm chi phí in ấn và hạn chế các hành vi lợi dụng đổi tiền trong dịp Tết.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong mấy năm qua việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng, do đó chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đến nay vẫn là tiếp tục hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương cũng được yêu cầu chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch thu - chi tiền mặt để đáp ứng cho nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế, tiếp quỹ ATM, chi lương, chi bảo hiểm xã hội, chi cho siêu thị, trung tâm thương mại. Ngân hàng Nhà nước luôn có chủ trương bảo đảm tốt nhất nguồn tiền cho lưu thông.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi mua các loại tiền độc, lạ. Các loại tiền này chỉ nên được dùng với mục đích sưu tầm, bởi nếu mua nhầm tiền giả mà dùng để giao dịch, mua bán là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Thông tư 25 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.

Theo Nghị định số 88 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt 20-40 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức thực hiện việc đổi tiền để hưởng chênh lệch thì có thể bị phạt gấp 2 lần mức phạt này, với mức phạt tối đa có thể lên đến 80 triệu đồng.