Kiểm soát gắt gao nhưng tiềm năng lớn
Ngày 1/4, Thương vụ Việt Nam tại Singapore thông báo về bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai nước khi Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) chính thức chấp thuận nhập khẩu một số sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam.
Việc Singapore mở cửa thị trường đối với sản phẩm gia cầm Việt Nam là một cột mốc quan trọng, thể hiện khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của ngành chăn nuôi trong nước.
Việt Nam là nước có tổng đàn gia cầm lớn, có khả năng xuất khẩu cao. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đạt hơn 533 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023.
Để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Singapore, các Bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với SFA tiến hành các cuộc khảo sát, kiểm định, đánh giá thực địa và trực tuyến nghiêm ngặt.
Các sản phẩm được SFA phê duyệt bao gồm thịt gia cầm đã qua chế biến nhiệt của Công ty CPV Food Co. Ltd và Công ty MeatDeli HN Company Ltd; trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp/tiệt trùng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Cục Chăn nuôi và thú y Việt Nam.

Khoảng hai phần ba lượng trứng của Singapore được nhập khẩu. Ảnh: Kua Chee Siong.
Vốn là quốc gia nhập khẩu tới hơn 90% thực phẩm tiêu thụ, Singapore nổi tiếng là một quốc gia có tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật rất gắt gao.
Theo Straitstimes , SFA trước đây đã tuyên bố rằng trứng và thịt nhập khẩu để được tiến vào thị trường Singapore phải đến từ các nguồn được công nhận đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ, cụ thể về an toàn thực phẩm và sức khỏe động vật của cơ quan này.
Là một phần của quá trình công nhận, SFA luôn tiến hành đánh giá các dịch vụ thú y, luật pháp, tình trạng bệnh động vật và các biện pháp kiểm soát của quốc gia xuất khẩu, cùng nhiều yếu tố khác. Ví dụ, trứng và gia cầm chỉ có thể được nhập khẩu từ các khu vực không có cúm gia cầm.
SFA từng nhận định rằng: “Không quốc gia nào có thể tránh khỏi sự bất ổn trong nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Ví dụ như tình trạng thiếu trứng và thịt gia cầm trên toàn thế giới là kết quả của đợt bùng phát cúm gia cầm chưa từng có, các vấn đề về chuỗi cung ứng và chi phí thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu tăng cao.”
Vì thế, để đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, thời gian qua Singapore đã liên tục mở rộng nguồn cung cấp trứng và thịt. Vào tháng 11/2024, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đơn vị thứ 19 xuất khẩu trứng vào Singapore, tăng mạnh so với con số 12 đơn vị vào năm 2019.
Bên cạnh đó, SFA liên tục kêu gọi các doanh nghiệp thực phẩm góp phần phục hồi khả năng cung cấp lương thực bằng cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu.
Trong năm, Singapore nhập khẩu hơn 3,87 tỷ SGD các mặt hàng thịt và trứng gia cầm từ thế giới, phản ánh nhu cầu lớn đối với nguồn cung thực phẩm chất lượng cao, trong đó giá trị các mặt hàng thịt tươi sống, giữ mát hoặc đông lạnh là hơn 1,69 tỷ SGD; giá trị các mặt hàng thịt đã qua chế biến là 216 triệu SGD và giá trị các mặt hàng trứng gia cầm là hơn 261 triệu SGD.
Hiện khoảng 2/3 lượng trứng và thịt của Singapore được nhập khẩu, phần lớn đến từ Malaysia trong khi phần còn lại có nguồn gốc từ các quốc gia như Thái Lan, Úc, Ba Lan, New Zealand, Ukraine, Hàn Quốc và Tây Ban Nha. Một phần ba còn lại được sản xuất trong nước.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, việc thịt gia cầm, trứng Việt Nam vượt kiểm duyệt nghiêm ngặt tiến vào thị trường Singapore là một dấu mốc có ý nghĩa đối với ngành công nghiệp chăn nuôi của Việt Nam, là tiền đề quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp được cấp phép lần này mà còn là bước đệm để các doanh nghiệp khác có thể thâm nhập thị trường Singapore - một thị trường có các quy định, tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc kiểm soát, duy trì chất lượng, sản lượng ổn định để giữ vững chỗ đứng trên thị trường nhiều đối thủ cạnh tranh.

Thịt gia cầm, trứng Việt Nam vượt kiểm duyệt nghiêm ngặt tiến vào thị trường Singapore. Ảnh minh họa: IT.
Singapore là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn của thế giới, do đó việc xuất khẩu sang thị trường Singapore cũng là bước đà để các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp cận thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng tới các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn của Singapore, đẩy mạnh xúc tiến ngành hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để duy trì uy tín trên thị trường quốc tế.