Vào 7/1, thương hiệu Honor đã công bố kế hoạch ra mắt điện thoại thông minh tại Indonesia vào cuối tháng 3, trở thành công ty Trung Quốc mới nhất thâm nhập vào thị trường cấm iPhone 16 của Apple do các quy định đầu tư nghiêm ngặt tại địa phương.
Trước đó, Indonesia đã đưa ra yêu cầu bất cứ mẫu điện thoại nào bán ra tại nước này phải có 40% linh kiện có nguồn gốc tại địa phương. Quy định này đã khiến cho Apple không thể phân phối mẫu điện thoại mới nhất của mình tại quốc gia vạn đảo.
Honor đã có một văn phòng tại Indonesia và hiện đang làm việc với một đối tác sản xuất địa phương, theo ông Justin Li, chủ tịch hoạt động Nam Thái Bình Dương của Honor. Ông cho biết Honor có thể sẽ chào sân thị trường với 10 sản phẩm, trải dài ở nhiều phân khúc, bao gồm cả điện thoại gập.
Công ty cũng sẽ đặt mục tiêu sản xuất khoảng 30 sản phẩm từ điện thoại đến máy tính bảng tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới.
Nhà phân tích Chiew Le Xuan của Canalys đánh giá: "Mặc dù 80% thị trường bị chi phối bởi các thiết bị có giá dưới 200 USD, nhưng là nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Indonesia vẫn có tiềm năng lớn trong việc tăng trưởng dài hạn".
Thị trường tiềm năng tại Indonesia
Chiew cho biết: “Indonesia đang nổi lên như một thị trường quan trọng ở Đông Nam Á nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng”, đồng thời nhấn mạnh quốc gia này chiếm tới 35% tổng lượng xuất xưởng điện thoại thông minh trong khu vực và có tiềm năng đóng vai trò là trung tâm chiến lược.
Tính đến tháng 11, Oppo, Xiaomi và Transsion - tất cả đều có trụ sở tại Trung Quốc - đang dẫn đầu thị trường Indonesia về doanh số điện thoại thông minh bán ra, theo Canalys. Vào tháng 11/2024, Oppo đã tổ chức buổi ra mắt toàn cầu cho mẫu Find X8 tại Indonesia, nơi công ty cũng đặt một nhà máy.
Dữ liệu của Canalys cho thấy Samsung xếp thứ tư tại Indonesia với 16% thị phần, ngang bằng với Vivo, một thương hiệu điện thoại thông minh khác của Trung Quốc.
Không tính Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ dưới 8% doanh số của Apple đến từ Châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến lược của Honor
Li tuyên bố quyết định thâm nhập vào Indonesia không liên quan đến sự hiện diện của Apple tại quốc gia này và tự tin vào khả năng cạnh tranh của Honor. Ông cho biết Honor đã quan sát thị trường Indonesia trong nhiều năm, trước khi tăng gấp đôi nỗ lực mở rộng trong nửa năm qua.
Li cho biết Honor có kế hoạch mở ít nhất 10 cửa hàng tại Indonesia trong năm nay, bên cạnh việc phân phối qua một nhà bán lẻ nội địa.
Ngoài Trung Quốc, Honor chủ yếu bán hàng tại châu Âu và một số quốc gia Đông Nam Á. Các sản phẩm điện thoại của công ty không phân phối trực tiếp tại Mỹ. Công ty cho biết, lần đầu tiên vào tháng 12, hơn một nửa doanh thu đến từ bên ngoài Trung Quốc.
Honor, công ty đang có kế hoạch niêm yết, đã tách khỏi gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei vào tháng 11/2020 sau khi công ty mẹ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Huawei cho biết họ không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào trong Honor hoặc tham gia vào các quyết định kinh doanh của công ty.