Trái tim người thầy... miền biên ải

(Chinhphu.vn) - Dù công tác trong hoàn cảnh vất vả, thiếu thốn đủ bề nhưng những người cô, người thầy ở các huyện miền núi vẫn luôn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để "cõng chữ lên non", với mục tiêu lớn nhất là vì học sinh thân yêu.
Trái tim người thầy... miền biên ải- Ảnh 1.
Trái tim người thầy... miền biên ải- Ảnh 2.
Trái tim người thầy... miền biên ải- Ảnh 3.

Con đường đến trường đầy hiểm trở vào mùa mưa lũ. Các thầy phải đi thành từng tốp 3-4 người để đẩy xe cho nhau. Trong ảnh, thầy Lê Xuân Thắng là người mặc áo trắng, đi ủng xanh - Ảnh nhân vật cung cấp

Ngôi trường biệt lập và '4 không'...

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An nằm ở vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của tỉnh. Cuộc sống nghèo đói khiến người dân nơi đây không quan tâm đến việc học hành của con cái.

Để đến được điểm trường chính và các điểm lẻ cách nhau hàng chục cây số, các thầy giáo của trưởng phải vượt qua con đường núi cực kỳ hiểm trở. Thực ra đây không hẳn là con đường, mà chỉ là những lối mòn qua các sườn núi. Vào mùa mưa lũ, có những hôm học sinh phải nghỉ học suốt một tuần vì không thể đi qua những lối này.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Lê Xuân Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường có 14 lớp (284 học sinh), trong đó có tới 232 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. 100% học sinh đều là người dân tộc H'Mông, chưa thạo tiếng Việt nên việc dạy học cũng gặp khó khăn.

Đặc biệt, trường được biết đến với nhiều "không": Không cô giáo; không điện lưới; không mạng intenet; không trạm y tế; không đường ô tô; không chợ; không nước sạch.

"Vì điều kiện khó khăn, lại thiếu thốn đủ bề nên trường không bố trí giáo viên nữ. Toàn bộ 27 giáo viên của trường đều là nam giới", thầy Thắng cho hay.

Thầy Lê Xuân Thắng quê ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, lên miền núi Quế Phong dạy học và làm quản lý tính đến nay đã được 27 năm. Thầy cũng đã có 6 năm gắn bó với Trường Tiểu học Tri Lễ 4.

"Cơ sở vật chất của trường không đảm bảo, phòng học làm từ gỗ tạm bợ. Trang thiết bị dạy học chưa đầy đủ. Trường không có điện nên vào những ngày mùa đông giá buốt, chúng tôi phải đốt lửa cho học sinh sưởi và chờ đến 8-9 giờ khi có ánh sáng, trời ấm lên thì mới học được", thầy Thắng tâm sự.

Trái tim người thầy... miền biên ải- Ảnh 4.

Các em học sinh ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 sinh hoạt trên sân trường - Ảnh do nhân vật cung cấp

Mới đây, vào tuần đầu của tháng 9, sau lễ khai giảng, trời mưa nhiều ngày khiến con đường vào trường bị sạt lở, không thể đi được, các thầy bị cô lập với bên ngoài suốt một tuần. Sau đó, do không còn thực phẩm dự trữ, các thầy buộc phải "liều" tìm đường ra, hỗ trợ đẩy xe máy cho nhau để vượt qua con đường.

Các thầy ở tại trường nhưng không có chỗ ngủ, sinh hoạt riêng. Khó khăn là thế, nhưng thầy Thắng tâm sự: "Tôi lên miền núi 27 năm, cảm thấy vất vả so với mặt bằng chung và cả khi đến trường, nhìn thấy cơ sở vật chất thiếu thốn, ban đầu thấy hơi chạnh lòng. Nhưng đến khi được tiếp xúc với các em, quan sát thấy hoạt động học tập cũng như đời sống của các em thì tôi lại thấy rất thương các em, mong muốn ở lại để cố gắng tạo điều kiện cho các em có môi trường học tập tốt hơn. Tôi cũng như các thầy đều mong muốn đóng góp công sức của mình để các em đỡ bị thiệt thòi".

Học sinh tại trường phần lớn thuộc diện khó khăn, bố mẹ đi làm xa nên ở nhà với ông bà. Các em không đủ ăn, không có sách vở, một số phải bỏ học để ở nhà trông em nên ngoài việc dạy học, các thầy còn làm công tác vận động, mua sách vở, đồ dùng học tập tặng các em hoặc vào ngày lễ, Tết, các thầy mua quà bánh để động viên các em đến lớp đầy đủ.

Thầy Thắng cho biết thêm, hằng năm, nhiều cá nhân, tổ chức đã đến ủng hộ cho trường; ủng hộ sách vở, quần áo để các em được học tập đầy đủ.

"Mong muốn lớn nhất của tôi là có một con đường thực sự để các em dễ dàng đến trường. Trường có điện, có phòng học để phục vụ việc học tập của các em, có phòng học bán trú để đưa các em từ điểm lẻ về điểm chính cho các em có chỗ ăn học tốt hơn. Chúng tôi cũng mong muốn có phòng học, ký túc xá cho giáo viên để yên tâm giảng dạy", thầy Thắng nói.

Trái tim người thầy... miền biên ải- Ảnh 5.

Cô Đỗ Thùy Quyên, thời còn công tác tại Trường Mầm non Suối Giàng, cùng các em thực hiện dự án bảo tồn trà cổ thụ Suối Giàng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ cô giáo 4.0 thành cô giáo... 'đa cấp'

Câu chuyện của cô Đỗ Thùy Quyên (sinh năm 1986 tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), trước là giáo viên mầm non tại Trường Mầm non Suối Giàng, giờ là cô giáo dạy Tin học của Trường THCS Đồng Khê (huyện Văn Chấn), truyền cảm hứng đến nhiều người.

Cách đây vài năm, nhiều người biết đến cô Quyên với biệt danh là "Cô giáo 4.0" khi công tác tại Trường Mầm non Suối Giàng. Với tư duy sáng tạo và đam mê với công nghệ thông tin (CNTT), cô đã giúp trẻ em Suối Giàng tiếp cận gần hơn với CNTT qua những giờ học đậm chất 4.0.

"Chứng kiến học sinh thiếu thốn về mọi thứ, về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập…, tôi bắt đầu khai thác CNTT nhiều hơn, ở chỗ CNTT hỗ trợ hoạt động dạy học, giảm đi nhiều việc phải mua sắm trang thiết bị", cô Quyên chia sẻ.

Trái tim người thầy... miền biên ải- Ảnh 6.

Cô Đỗ Thùy Quyên giờ là giáo viên dạy Tin học ở Trường THCS Đồng Khê - Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ việc đam mê CNTT, năm 2017, cô Quyên tham gia vào Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, kết nối với đồng nghiệp ở mọi miền đất nước cùng trao đổi, học hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phương pháp, kỹ năng ứng dụng CNTT vào dạy học.

Từ việc tham gia Cộng đồng, cô Quyên đã học và lên ý tưởng làm dự án sách 3D. Những cuốn sách 3D mà cô Quyên làm ra không chỉ có hình ảnh nổi mà còn có các chi tiết có khả năng chuyển động, giúp trẻ dễ nhận biết và nâng cao khả năng tư duy. Mỗi cuốn sách là những câu chuyện được cô chọn từ chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Không ngừng sáng tạo, Đỗ Thùy Quyên tiếp tục nghiên cứu và thực hiện dạy học theo phương thức giáo dục STEM cho học sinh Mầm non Suối Giàng. Cô cũng xây dựng nhiều hoạt động dạy học STEM và được học sinh hưởng ứng như làm giá đỗ sạch hay dự án STEM bảo tồn và phát triển chè cổ thụ Suối Giàng...

Ngoài ra, cô Quyên còn tham gia các chương trình đi tập huấn, chia sẻ cho giáo viên về CNTT và về giáo dục STEM. Từ đam mê ấy, cô tiếp tục theo học Đại học Công nghệ thông tin. Sau khi học xong, cô được lãnh đạo Phòng GD&ĐT, lãnh đạo huyện Văn Chấn quan tâm và tạo điều kiện để chuyển lên dạy THCS từ đầu năm học này.

Trước đây, mọi người ở Cộng đồng Giáo viên sáng tạo gọi cô Đỗ Thùy Quyên là "Cô giáo 4.0", nhưng bây giờ mọi người gọi cô là "Cô giáo đa cấp" bởi cô đã có nhiều buổi tập huấn hướng dẫn về CNTT cho các giáo viên các cấp và cho đến bây giờ, cô Quyên vẫn tham gia các hoạt động để thúc đẩy giáo dục STEM cùng với đội ngũ Liên minh STEM.

"Khi chuyển lên dạy ở trường THCS, tôi cũng có rất nhiều băn khoăn và lo lăng, lo lắng bởi không biết mình có phát huy tốt như mình đã từng thực hiện không. Bản thân tôi cũng có rất nhiều vấn vương, vấn vướng với các con lứa tuổi mầm non bởi vì tôi có quãng thời gian dài gắn bó với mầm non, tình cảm dành cho trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ mầm non ở Suối Giàng cũng rất sâu đậm. Tuy ở đó có rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhờ đó mà tôi có thành quả như bây giờ. Tôi luôn tự nhủ rằng mình sẽ cố gắng hết sức để mang lại những điều mới mẻ cho học sinh dù là ở bất cứ cấp học nào, tôi cũng luôn tự nhắc bản thân ràng rời đi không khó nghĩa là lãng quên, rời đi là để có thể làm mọi thứ tốt hơn, tôi vẫn còn nhiều điều muốn làm cho các con ở Suối Giàng và tôi cúng sẽ cố gắng để có thể làm được những gì tốt nhất dành cho các con và người dân Suối Giàng, Đồng Khê nói riêng, Văn Chấn nói chung", cô Quyên tâm sự.

Anh Thơ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Mỗi thầy, cô giáo luôn là tấm gương sáng rèn đức, luyện tài, yêu nghề, yêu ngườiMỗi thầy, cô giáo luôn là tấm gương sáng rèn đức, luyện tài, yêu nghề, yêu người