Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Singapore đạt mức kỷ lục

Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ 18 và là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy, sau 12 tháng của năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 31,67 tỷ SGD, tăng 9,49%. 

Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ 18 của Singapore với kim ngạch gần 8,58 tỷ SGD (tăng 30,8%) và là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore với kim ngạch hơn 20,8 tỷ SGD (tăng 1,72%).

Tổng quan trong tháng 12/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 3,06 tỷ SGD, tăng 19,24% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 18,98% với giá trị 781,17 triệu SGD, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng trưởng cao ở mức 19,33%, đạt hơn 2,28 tỷ SGD.

Trong cơ cấu hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá có xuất xứ Singapore tăng đột biến ở mức 52,9%, đạt hơn 694,77 triệu SGD; hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam (chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu) tăng 8,9% đạt hơn 1,59 tỷ SGD. 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Singapore đạt mức kỷ lục- Ảnh 1.

Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ 18 của Singapore (Ảnh: Phạm Tùng).

Mặc dù mức thâm hụt giữa nhập khẩu và xuất khẩu hơn 1,5 tỷ SGD, song nếu chỉ tính riêng cán cân thương mại giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Singapore thì tháng 12/2024 Việt Nam xuất siêu hơn 86,4 triệu SGD.

Lũy kế cả năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 31,67 tỷ SGD, tăng 9,49 % so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở mức 30,8%, đạt gần 8,58 tỷ SGD và nhập khẩu hơn 23,09 tỷ SGD, tăng 3,24%.

Xét về xuất xứ hàng hóa, thì hàng tạm nhập tái xuất qua Singapore vào Việt Nam chiếm gần 69,73% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu từ Singapore vào Việt Nam, tương đương 16,1 tỷ SGD. Nếu tính riêng hàng hóa có xuất xứ từ Singapore và hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, thì Việt Nam xuất siêu khoảng 1,59 tỷ SGD.

Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore trong tháng 12, cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng rất mạnh, thậm chí đột biến. 

Cụ thể: nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 29,92%); Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 119,55%). Một số nhóm ngành khác cũng tăng trưởng mạnh đáng chú ý như Gạo và ngũ cốc (tăng 61,39%) Thủy sản (tăng 59,51%)…

Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam trong tháng 12, 2/3 nhóm nhập khẩu chủ lực tăng mạnh là nhóm Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 90,36%); và nhóm Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 125,24%). 

Tuy nhiên nhóm nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại lại sụt giảm nhẹ ở mức -2,33%; Một số nhóm ngành khác tiếp tục tăng đột biến như Chì và các sản phẩm làm bằng chì (tăng gần 16 lần) …

Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore trong cả năm 2024, 14/21 nhóm hàng xuất khẩu tăng trưởng dương so với năm 2023 trong đó đáng chú ý cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore đều tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tăng 30,58%; Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên tăng 77,4%; Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 57,01%… 

Nhóm các sản phẩm giảm mạnh so với năm 2023 gồm các sản phẩm từ sắt thép (giảm 43,99%), Giấy và các sản phẩm từ giấy (giảm 26,46%), Thuốc lá và nguyên liệu thay thế (giảm 17,79%)…

Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam trong cả năm 2024, 13/21 nhóm ngành hàng nhập khẩu tăng trưởng dương so với năm 2023. Tuy nhiên chỉ có 1 nhóm hàng nhập khẩu chính là Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ tăng trưởng dương ở mức 19,22%.

2/3 nhóm nhập khẩu chủ lực lại sụt giảm nhẹ là nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (giảm 1,86%) và Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (giảm 1,29%). 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore tăng 31,55% sau 9 thángMở rộng hợp tác Việt Nam - Singapore trong lĩnh vực năng lượng sạch

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng mạnh như: Kẽm và sản phẩm từ kẽm (tăng 1,2 lần), Dược phẩm (tăng 93,05%), Ngọc trai, đá quý, và các sản phẩm kim hoàn (tăng 80,81%)…. 

Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành có mức tăng trưởng âm như: Phương tiện tàu bay, tàu vũ trụ & các bộ phận (giảm 29,9%), Nhựa và các sản phẩm từ nhựa (giảm 5,8%)…

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, so với các tháng trước của năm 2024, tình hình thương mại trong tháng 12 của Singapore với thế giới thể hiện sự bứt phá đột biến với cả 3 chỉ tiêu tổng kim ngạch 2 chiều và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 18,98%, 14,61% và 24,05%. 

Theo thông báo ngày 2/1/2025 của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), GDP của nước này trong Quý 4/2024 dự kiến tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ 2023 và GDP cả năm 2024 dự kiến tăng trưởng 4% (cao hơn mức dự báo đưa ra đầu năm là  1-3%). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy kinh tế của Singapore trong năm 2024 đã phục hồi tốt hơn so với các dự báo.

Trong bối cảnh trên, năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng hết sức ấn tượng của xuất khẩu Việt Nam sang Singapore với 10/12 tháng có mức tăng trưởng trên 15%. Đây là nhân tố chính dẫn đến mức tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 31,67 tỷ SGD, đây là giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều của Singapore – Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay. Nếu chỉ xét riêng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Việt Nam xuất siêu khoảng 1,59 tỷ SGD. 

Trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, bên cạnh các nhóm chủ lực truyền thống như thiết bị điện tử, máy móc, thủy tinh, còn có sự tăng trưởng tốt của các nhóm ngành khác, đáng chú ý các mặt hàng nông nghiệp như gạo, thủy sản, dầu động thực vật…

Mặc dù kết quả năm 2024 rất khả quan, nhưng các chuyên gia kinh tế tại địa bàn vẫn hết sức thận trọng khi đánh giá về triển vọng năm 2025, đặc biệt là tác động của các yếu tố cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore. 

Đồng thời hỗ trợ các đoàn công tác từ Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam. Trong đó, tập trung thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm thịt, trứng gia cầm vào Singapore là một trong những ưu tiên hàng đầu.