Giám đốc Công nghệ Grab nhìn nhận thị trường Việt Nam: "96% người dân chọn di chuyển bằng xe máy, chúng tôi phải thích ứng"

"Với các đối tác tài xế xe hai bánh của Grab, bản đồ của bên thứ 3 đôi khi gây bất tiện vì phần nhiều được thiết kế cho ô tô", ông Suthen Thomas – Giám đốc Công nghệ Grab cho biết trong chuyến thăm Việt Nam mới đây.

Ông Suthen Thomas là lãnh đạo công nghệ đầu tiên của Grab khi công ty được thành lập năm 2012. Tại đây, ông từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cả về kỹ thuật và vận hành, sáng lập ra đội ngũ Vận hành Kinh doanh. Ông Suthen trở thành Giám đốc Công nghệ (CTO) của Grab kể từ năm 2022.

Mới đây, ông Suthen đã tới thăm Việt Nam và có buổi chia sẻ về tầm nhìn trong lĩnh vực công nghệ của Grab tại Việt Nam - một thị trường đầy tiềm năng, cũng như vai trò của trung tâm R&D ở TP.HCM. Ông cũng tiết lộ những bí quyết tăng trưởng của Grab - với một trong những “át chủ bài” là bản đồ tự lập GrabMaps, quá trình tạo ra giải pháp để xử lý những vấn đề mà các đối tác và khách hàng gặp phải, đồng thời cho thấy sức mạnh của AI khi được ứng dụng trong các sản phẩm, dịch vụ.

“Khi bạn đặt xe, chúng tôi không chỉ đơn giản là phân bổ cho bạn tài xế gần nhất. Các mô hình AI sẽ xem xét nhiều yếu tố để đảm bảo rằng cả hành khách và tài xế đều có trải nghiệm di chuyển tốt nhất”, Giám đốc Công nghệ Grab lấy ví dụ.

TP.HCM – nơi tọa lạc một trong 7 trung tâm R&D của Grab

Mở đầu buổi chia sẻ, ông Suthen nhấn mạnh Grab vô cùng lạc quan khi nhìn vào Việt Nam. Tiềm năng đến từ cả khía cạnh kinh doanh và công nghệ, trong bối cảnh thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng.

“Trong 10 năm qua, rất nhiều người đã có thêm nguồn thu nhập từ nền tảng số của Grab, bao gồm các tài xế và đối tác nhà hàng. Để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Grab đặt ra sứ mệnh là tạo thêm cơ hội thu nhập cho ngày càng nhiều người dân, mang đến dịch vụ số tiện lợi, an toàn và đáng tin cậy cho cộng đồng.

Ngân hàng DBS (The Development Bank of Singapore Limited) dự báo trong 10 năm tới, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Chúng tôi có cam kết lâu dài trong việc trở thành một phần của hành trình phát triển này”, ông Suthen khẳng định.

Đối với lĩnh vực công nghệ, lãnh đạo Grab chỉ ra thế mạnh về nguồn nhân lực tại Việt Nam, nhờ những khoản đầu tư đáng kể vào giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Ông đánh giá kỹ sư công nghệ Việt Nam không chỉ có năng lực chuyên môn cao, kỹ năng tốt mà còn cầu tiến và sẵn sàng học hỏi.

Bằng chứng cho nhận định trên là Grab đã quyết định mở Trung tâm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) tại TP.HCM từ năm 2017 và đang phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong 2 năm từ 2023-2024, quy mô nhân sự của trung tâm tăng hơn 60%.

Các kỹ sư công nghệ tại Trung tâm R&D TP.HCM không chỉ xây dựng sản phẩm cho Việt Nam, mà còn tham gia phát triển những giải pháp công nghệ phục vụ các thị trường khác mà Grab đang hoạt động. Ví dụ, các giải pháp công nghệ cho Grab For Business – dịch vụ dành cho khách hàng doanh nghiệp – được phát triển chủ yếu tại Việt Nam và hiện đang được sử dụng trên toàn bộ 8 thị trường mà Grab hiện diện.

Giám đốc Công nghệ Grab nhìn nhận thị trường Việt Nam:

"96% người Việt Nam chọn xe máy làm phương tiện di chuyển, Grab phải thích ứng"

Về chiến lược phát triển bền vững, ông Suthen nhấn mạnh công nghệ là một trong những nền tảng cốt lõi.

“Tuy nhiên, Grab không đơn giản chỉ phát triển công nghệ. Điều chúng tôi hướng đến là phát triển và tận dụng các giải pháp công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế mà khách hàng gặp phải.

Chúng tôi thường nhắc nhở đội ngũ rằng: đừng bị cuốn vào những xu hướng mới nhất. Hãy bắt đầu từ vấn đề của khách hàng – tìm hiểu họ cần gì rồi tìm giải pháp công nghệ phù hợp để giải quyết. Chỉ khi bắt đầu từ nhu cầu thực sự của khách hàng, chúng ta mới tạo ra được những cải tiến có tính ứng dụng cao, mang giá trị thực tế thay vì chỉ chạy theo xu hướng”, CTO của Grab chia sẻ.

Grab hiện hoạt động ở 8 quốc gia Đông Nam Á, có mặt tại hơn 700 thành phố với hàng triệu đối tác tài xế và đối tác thương nhân, đồng thời có hơn 40 triệu người dùng hàng tháng.

Lượng người dùng và đối tác đông đảo của Grab giúp tạo ra độ phủ dịch vụ sâu rộng, từ đó tạo nên một vòng lặp tăng trưởng hiệu quả và bền vững. Càng nhiều dịch vụ, người dùng càng có lý do để bắt đầu dùng hoặc sử dụng Grab thường xuyên hơn. Khi lượng người dùng tăng lên, đối tác tài xế và nhà hàng sẽ có thêm cơ hội thu nhập, tạo điều kiện thu hút thêm nhiều đối tác mới tham gia nền tảng.

Dù quy mô lớn, nhưng ông Suthen nhấn mạnh Grab luôn tập trung phát triển các giải pháp phù hợp cho từng quốc gia, thậm chí từng địa phương. Lý do là bởi mỗi quốc gia Đông Nam Á đều vô cùng khác biệt, không chỉ về ngôn ngữ và văn hóa, mà còn là quy định hoạt động, bối cảnh kinh tế - xã hội.

“Dù sản phẩm được phát triển trên quy mô khu vực, chúng tôi luôn có những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với từng thị trường mà Grab hoạt động.

Chẳng hạn ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy 96% người dân chọn di chuyển bằng xe máy. Vì thế, các sản phẩm, dịch vụ di chuyển của Grab phải thích ứng với thực tế này, thay vì tập trung vào xe 4 bánh như các nước khác. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư công nghệ thực tiễn và dài hạn – từ bản đồ, phần cứng đến dữ liệu”, ông Suthen phân tích.

GrabMaps là ví dụ điển hình cho định hướng này của Grab. Kể từ năm 2022, tại tất cả các quốc gia đang hoạt động, Grab đã có thể tự chủ trong việc xây dựng dữ liệu bản đồ.

“Hành trình của GrabMaps bắt đầu vào năm 2017, khi chúng tôi nhận thấy các bản đồ của bên thứ 3 chưa đủ tính “siêu địa phương hóa” để có thể phục vụ người dùng và đối tác của chúng tôi một cách tốt nhất.

Với các đối tác tài xế xe hai bánh của Grab, bản đồ của bên thứ 3 đôi khi gây bất tiện vì phần nhiều được thiết kế cho ô tô. Không có chỉ dẫn về các con hẻm hay đường nhỏ phù hợp cho xe máy, các tài xế GrabBike có thể tốn nhiều thời gian hơn cho một đơn hàng hay một chuyến đi, dẫn đến không thể đạt thu nhập tối đa trong khả năng”, ông Suthen chỉ ra.

Giám đốc Công nghệ Grab nhìn nhận thị trường Việt Nam:

Lợi thế của GrabMaps nằm ở độ chính xác, phạm vi phủ sóng, cập nhật theo thời gian thực và hiệu quả về chi phí. Dữ liệu được thu thập từ KartaCam và sau này là phiên bản KartaCam 2 – thiết bị chuyên dụng được Grab phát triển, gắn trên nóc xe hơi hay mũ bảo hiểm của các đối tác tài xế, ghi lại thông tin về lưu lượng giao thông, tên đường, biển báo… Mỗi chuyến xe và đơn hàng sẽ là dữ liệu để Grab liên tục cập nhật bản đồ.

Liên quan đến AI – chủ đề “nóng” của giới công nghệ trong năm qua, ông Suthen cho biết AI vốn đã được ứng dụng ở mọi điểm chạm trên ứng dụng Grab.

“Ví dụ, khi bạn đặt xe, chúng tôi không chỉ đơn giản là phân bổ cho bạn tài xế gần nhất. Các mô hình AI sẽ xem xét nhiều yếu tố trước khi đưa ra quyết định phân bổ cuốc xe để đảm bảo cả tài xế và hành khách đều có trải nghiệm di chuyển tốt nhất.

Trong trường hợp tài xế gần bạn nhất sắp kết thúc ngày làm việc, hoặc điểm đến của bạn không phù hợp với lộ trình của tài xế, khả năng họ không nhận chuyến khá cao. Những yếu tố khác mà hệ thống cũng xem xét gồm lịch sử hoạt động của tài xế, thời điểm trong ngày… để đảm bảo tối ưu hoạt động cho tài xế và trải nghiệm của hành khách”, lãnh đạo Grab lý giải.

Từ dịch vụ GrabTaxi đầu tiên đến siêu ứng dụng Grab

Gần 13 năm kể từ khi được thành lập, Grab đã trở thành một trong những “siêu kỳ lân công nghệ” đầu tiên và lớn nhất Đông Nam Á. Guồng quay công việc của ông Suthen cũng rất khác so với năm 2012.

“Năm 2012, chúng tôi là một team rất nhỏ. Dưới tôi chỉ có 2 người, rất nhiều thứ mới ở giai đoạn sơ khai. Hồi đó, công việc của tôi gồm nhiều phần liên quan đến viết code, xây dựng hệ thống. Nhưng không dừng lại ở đó, tôi phải suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề cho người dùng.

Thời Grab còn có tên là MyTeksi và mới chỉ có mặt tại Malaysia, những khách hàng đầu tiên của chúng tôi là các tài xế taxi, và họ sử dụng đồng hồ tính cước. Khi đó, cũng không nhiều người chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ”, ông Suthen hồi tưởng.

Giám đốc Công nghệ Grab nhìn nhận thị trường Việt Nam:

Có thể nói sự ra đời của Grab đã thay đổi hoàn toàn trải nghiệm di chuyển của các hành khách, cũng như tạo ra thêm cơ hội thu nhập cho các tài xế.

Giờ đây, ông Suthen không chỉ dành thời gian của mình để giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và người dùng mà còn tạo điều kiện, trao quyền cho những người khác đảm nhiệm.

“Trước hết, tôi đóng vai trò là người dẫn dắt, bồi dưỡng các nhân tài, tạo ra môi trường làm việc hoà nhập, thoải mái và tích cực. Đôi khi phạm lỗi trong lúc học hỏi cũng không sao.

Thứ hai, tôi sẽ luôn nhắc nhở mọi người tập trung vào người dùng. Các kỹ sư thường vô cùng hào hứng với những công nghệ mới nhất, nhưng cần đặt ra câu hỏi rằng liệu nó sẽ đem lại giá trị gì cho người dùng hay không.

Một điều khác chúng tôi luôn làm là không chỉ tập trung giải quyết một vấn đề riêng lẻ. Quan trọng là phải tìm ra giải pháp có tính ứng dụng lớn, đầu tư công sức sao cho có thể xử lý được thật nhiều vấn đề ở nhiều mảng dịch vụ khác nhau. Không thể chỉ đưa ra 1 sản phẩm, 1 tính năng để giải quyết 1 vấn đề, mà phải áp dụng được trên diện rộng”, ông Suthen kết lại buổi chia sẻ.

Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/giam-doc-cong-nghe-grab-nhin-nhan-thi-truong-viet-nam-96-nguoi-dan-chon-di-chuyen-bang-xe-may-chung-toi-phai-thich-ung-a99881.html