Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba vừa ra mắt phiên bản mới của mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) Qwen 2.5 và tuyên bố rằng nó mạnh hơn cả DeepSeek – mô hình AI nổi bật nhất thời gian qua.
Việc Alibaba công bố Qwen 2.5-Max đúng vào Mùng 1 Tết Nguyên đán (ngày 29/1) – khi hầu hết người dân Trung Quốc đang nghỉ lễ – cho thấy áp lực từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của DeepSeek trong vài tuần qua.
Thành công nhanh chóng của startup AI này không chỉ gây thách thức cho các đối thủ quốc tế mà còn khiến các công ty công nghệ lớn ở "thị trường tỷ dân" phải gấp rút nâng cấp mô hình của mình.
Trong một thông báo trên WeChat chính thức, Alibaba Cloud tuyên bố: "Qwen 2.5-Max vượt trội gần như trên mọi phương diện so với GPT-4o, DeepSeek-V3 và Llama-3.1-405B", ám chỉ đến các mô hình AI tiên tiến nhất của OpenAI và Meta.
Ngày 10/1, DeepSeek ra mắt trợ lý AI sử dụng mô hình DeepSeek-V3, tiếp đó là DeepSeek-R1 vào ngày 20/1. Hai sản phẩm này đã gây chấn động giới công nghệ, thậm chí làm giá cổ phiếu các công ty AI hàng đầu tại Mỹ lao dốc.
DeepSeek tuyên bố có thể phát triển mô hình AI với chi phí thấp hơn nhiều so với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi về các kế hoạch chi tiêu khổng lồ của OpenAI, Google hay Microsoft.
Không chỉ đe dọa thị trường toàn cầu, DeepSeek còn tạo ra một cuộc chạy đua nâng cấp AI ngay tại Trung Quốc.
Chỉ 2 ngày sau khi DeepSeek-R1 xuất hiện, ByteDance – công ty mẹ của TikTok – đã cập nhật mô hình AI chủ lực của mình và tuyên bố nó vượt qua o1 của OpenAI trong bài kiểm tra AIME, một tiêu chuẩn đo khả năng xử lý và phản hồi các chỉ dẫn phức tạp của AI.
DeepSeek trước đó cũng tuyên bố rằng R1 có thể cạnh tranh với o1 của OpenAI trên nhiều chỉ số hiệu suất. Mô hình DeepSeek-V2, tiền nhiệm của V3, từng châm ngòi cho "cuộc chiến giá AI" tại Trung Quốc khi ra mắt vào tháng 5/2024.
DeepSeek-V2 được cung cấp mã nguồn mở với chi phí cực thấp – chỉ 1 Nhân dân tệ (0,14 USD) cho mỗi 1 triệu tokens (đơn vị xử lý dữ liệu của AI). Điều này khiến Alibaba Cloud ngay lập tức giảm giá tới 97% cho một loạt mô hình AI của mình. Các công ty công nghệ lớn khác cũng phải điều chỉnh chiến lược, bao gồm Baidu và Tencent.
Tuy nhiên, người sáng lập bí ẩn của DeepSeek, Liang Wenfeng, lại tỏ ra không mấy quan tâm đến cuộc chiến giá cả.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với trang Waves vào tháng 7/2024, ông khẳng định mục tiêu chính của DeepSeek là đạt được AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát) – một cấp độ AI có khả năng vượt trội con người trong hầu hết các công việc kinh tế quan trọng.
Theo định nghĩa của OpenAI, AGI là hệ thống tự động có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn con người.
Trong khi các công ty công nghệ lớn như Alibaba có hàng trăm nghìn nhân viên, DeepSeek hoạt động như một phòng thí nghiệm nghiên cứu, chủ yếu gồm các sinh viên tốt nghiệp và nghiên cứu sinh tiến sĩ từ những trường đại học hàng đầu Trung Quốc.
Ông Liang từng nhận định rằng mô hình quản lý của các tập đoàn lớn có thể không phù hợp với tương lai của ngành AI, bởi chi phí cao và cấu trúc quản lý tập trung có thể cản trở sự đổi mới liên tục.
"Các mô hình AI cỡ lớn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, và khả năng của các tập đoàn công nghệ lớn vẫn có giới hạn", ông Liang nói.
Sự trỗi dậy nhanh chóng của DeepSeek đã thu hút sự chú ý từ Microsoft và chính quyền Mỹ.
Theo Bloomberg, Microsoft đang điều tra liệu DeepSeek có thu thập trái phép dữ liệu từ API của OpenAI hay không.
Microsoft, với khoản đầu tư 13 tỷ USD vào OpenAI, cho biết đã phát hiện một nhóm cá nhân nghi ngờ liên quan đến DeepSeek đang thu thập lượng lớn dữ liệu AI thông qua API của OpenAI.
Nhà Trắng cũng tuyên bố đang xem xét các mối đe dọa an ninh quốc gia liên quan đến DeepSeek.
Phát biểu trên Fox News, ông David Sacks, quan chức Nhà Trắng phụ trách AI, cho rằng DeepSeek có thể đã sử dụng kỹ thuật "distillation" – một phương pháp học máy giúp mô hình AI học hỏi từ các mô hình khác.
Trước những cáo buộc này, DeepSeek chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với truyền thông: "Sự xuất hiện của DeepSeek AI từ một công ty Trung Quốc nên là lời cảnh tỉnh cho ngành công nghiệp Mỹ, buộc chúng ta phải tập trung mạnh mẽ hơn vào cạnh tranh".
NASA, Hải quân Mỹ, Hạ viện Mỹ và chính quyền bang Texas đã đồng loạt cấm nhân viên sử dụng DeepSeek do lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư, Đài CNBC đưa tin hôm 1/2.
Minh Đức (Tổng hợp)
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/xuat-hien-cong-cu-ai-con-manh-hon-ca-deepseek-a92568.html