Lương thực xuất khẩu đặc biệt
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra ngày 21/1, tại Cần Thơ.
Ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) - cho biết, ngoài đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam còn là nước xuất khẩu đóng góp cho an ninh lương thực thế giới.
Theo ông Bổng, gạo là lương thực xuất khẩu đặc biệt của Việt Nam, cung cấp cho 3 tỷ người trên thế giới dùng làm lương thực chính. Từ năm 1989 đến nay, 35 năm liên tục Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 158,5 triệu tấn gạo, có mặt ở hơn 150 nước/vùng lãnh thổ và là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới (chiếm 15% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu).
Năm 2023 - 2024 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt lần lượt 8 và 9 triệu tấn. Trong đó, châu Phi nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam từ trước đến nay, Việt Nam cũng sang khu vực này thực hiện các chương trình hỗ trợ về sản xuất lúa, thông qua chương trình hợp tác Nam - Nam do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) khởi xướng.
“Từ năm 1996 đến nay, hàng nghìn lượt chuyên gia Việt Nam đã đến nhiều nước hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa. Việt Nam luôn muốn đóng góp kinh nghiệm của mình hỗ trợ cho các nước cần tăng sản xuất lúa để tự túc lương thực”, ông Bổng nói.
Chủ tịch VIETRISA cho biết thêm, tháng 3/2023, Thủ tướng Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030. Quyết định này thiết lập một hệ thống toàn diện, dựa trên phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm nền tảng cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh lương thực thế giới .
Chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT ) - cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực cốt lõi đối với nhiều quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ , đặc biệt ở châu Phi, Đông Nam Á và vùng Caribbean. Nông nghiệp không chỉ tạo thu nhập chính cho hàng triệu người dân, còn đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế bền vững.
Để chung tay giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, nhu cầu cấp thiết phát triển nông nghiệp bền vững , Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề xuất một số chương trình hành động. Trong đó, ông Hoan kêu gọi các tổ chức quốc tế, thiết chế tài chính, các nước phát triển tăng cường cung cấp tài chính, nguồn lực thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp bền vững thích ứng với Biến đổi khí hậu. Các quốc gia, tổ chức quốc tế cùng chung tay thúc đẩy thực hành canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính…
Ông Cao Đức Phát - Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) cho hay, lúa là lương thực chính đối với gần một nửa dân số thế giới. Hiện, lúa được trồng ở 117 nước và vùng lãnh thổ, nhưng trên 90% gạo được sản xuất và tiêu thụ ở châu Á. Trong các thành viên chính thức của Cộng đồng Pháp ngữ có tới 29 nước trồng lúa.
Theo Chủ tịch IRRI, phát triển sản xuất lúa gạo đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo an ninh lương thực đối với nhiều nước trong Cộng đồng Pháp ngữ. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo hiện nay cũng có những vấn đề lớn như: Năng suất trồng lúa ở nhiều nước còn thấp; sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên nên kém bền vững, đặc biệt với biến đổi khí hậu; ruộng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn; thị trường gạo biến động mạnh; thu nhập của người trồng lúa còn thấp.
Ông Hilarion Etong - Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cameroon - bày tỏ, sáng kiến tổ chức diễn đàn này thể hiện mạnh mẽ cam kết của Việt Nam đối với các giá trị của Cộng đồng Pháp ngữ . Chủ đề Diễn đàn là hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu rất phù hợp bối cảnh thách thức toàn cầu, nhu cầu hành động trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.