Sau một tháng rưỡi hoạt động căng thẳng ở châu Âu và Trung Đông, Không quân Mỹ (USAF) vừa ra thông báo cho biết, 4 máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress sẽ bắt đầu quay trở lại Mỹ, số oanh tạc cơ còn lại sẽ về sau trong những tuần tới.
Cụ thể, 4 máy bay ném bom được nói đến, có trụ sở tại Căn cứ Không quân Barksdale ở Louisiana, đã khởi hành từ Căn cứ Không quân Hoàng gia (RAF) Fairford ở Vương quốc Anh, nơi chúng đã được triển khai từ đầu tháng 11.
"Làm việc cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi làm nổi bật sức mạnh của sự hợp tác. Mỗi nhiệm vụ là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đồng đội, chuyên môn chung và cam kết thống nhất về an ninh", Đại úy Aaron Gurley, người lập kế hoạch nhiệm vụ cho Lực lượng đặc nhiệm máy bay ném bom (BTF) của Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE), cho biết trong một tuyên bố vào đầu tháng này.
"Cùng nhau, chúng ta xây dựng các giải pháp mà không quốc gia nào có thể đạt được một mình, chứng minh rằng sức mạnh tập thể của chúng ta thực sự định nghĩa nên thành công của mọi hoạt động", ông nói.
Trong quá trình triển khai tại Fairford, các máy bay ném bom B-52H Stratofortress đã thực hiện nhiều hoạt động. Những điểm nổi bật chính bao gồm một nhiệm vụ thả vũ khí bất thường ở Litva, một nhiệm vụ huấn luyện triển khai vũ khí mô phỏng trên Phần Lan cùng với các máy bay chiến đấu của nước chủ nhà và nước láng giềng Thụy Điển, và một cuộc tập trận quân sự đa miền liên quan đến phát hiện, nhắm mục tiêu và theo dõi với Na Uy và Vương quốc Anh ở Bắc Cực…
Trong khi đó, việc triển khai oanh tạc cơ hạng nặng B-52 ở Trung Đông bao gồm các nhiệm vụ đến Bahrain để tham gia Triển lãm hàng không quốc tế Bahrain và tích hợp với các máy bay chiến đấu của Vương quốc Anh vào tháng 11.
Ngoài ra, hồi đầu tháng 12, các "pháo đài bay" B-52 đã cùng các tiêm kích F-15E và cường kích A-10 Thunderbolt II tiến hành các cuộc không kích ở miền Trung Syria nhằm vào các nhóm khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Assad.
Hiện tại, 6 chiếc B-52 được triển khai ở Trung Đông dự kiến sẽ quay trở lại Mỹ trong những tuần tới, chủ yếu là do việc triển khai tàu sân bay USS Harry S. Truman. Tương tự như vậy, phi đội F-15E Strike Eagle được triển khai trong khu vực cũng sẽ trở về căn cứ không quân của mình, vì lực lượng này được triển khai tạm thời để bù đắp cho việc tàu sân bay USS Abraham Lincoln chuyển hướng sang Thái Bình Dương vào tháng 11 năm ngoái.
B-52H Stratofortress là máy bay ném bom hạng nặng tầm xa có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ảnh: Airforce Technology
B-52H Stratofortress là máy bay ném bom hạng nặng tầm xa có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Oanh tạc cơ này có khả năng bay với tốc độ cận âm cao ở độ cao lên tới 50.000 feet (15.166,6 m). Nó có thể mang theo vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường có dẫn đường chính xác.
Trong một cuộc xung đột thông thường, B-52 có thể thực hiện các cuộc tấn công chiến lược, hỗ trợ trên không, ngăn chặn trên không, phản công tấn công trên không và các hoạt động trên biển.
"Pháo đài bay" có hiệu quả cực cao khi được sử dụng để hỗ trợ Hải quân Mỹ trong các hoạt động giám sát, chống tàu nổi và tàu ngầm cũng như rải mìn. Trong 2 giờ, 2 chiếc B-52 có thể giám sát 140.000 dặm vuông (364.000 km2) bề mặt đại dương.
Tất cả các máy bay B-52 đều có thể được trang bị 2 cảm biến quan sát quang điện, một cảm biến hồng ngoại hướng về phía trước và các trang bị nhắm mục tiêu tiên tiến để tăng cường khả năng nhắm mục tiêu, đánh giá trận chiến và an toàn bay, đồng thời cải thiện hơn nữa khả năng chiến đấu của máy bay.
Phi công đeo kính nhìn ban đêm, hay NVG, để tăng cường tầm nhìn của họ trong các hoạt động ban đêm. Kính nhìn ban đêm mang lại sự an toàn hơn trong các hoạt động ban đêm bằng cách tăng khả năng quan sát địa hình bằng mắt của phi công, tăng nhận thức về tình huống chiến đấu và an toàn của phi hành đoàn, và cải thiện khả năng quan sát trực quan các máy bay khác.
Công nghệ xử lý hình ảnh và nhắm mục tiêu tiên tiến làm tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu của B-52 vào ban ngày, ban đêm và trong điều kiện thời tiết không lý tưởng khi tấn công các mục tiêu trên mặt đất bằng nhiều loại vũ khí tầm xa, ví dụ như bom dẫn đường bằng laser, bom thông thường và vũ khí dẫn đường bằng GPS.
Việc tiếp nhiên liệu trên không giúp B-52 có tầm hoạt động chỉ bị giới hạn bởi sức bền của phi hành đoàn. Nó có phạm vi chiến đấu không cần tiếp nhiên liệu là hơn 8.800 dặm (14.080 km).
B-52 có tầm hoạt động chỉ bị giới hạn bởi sức bền của phi hành đoàn. Ảnh: Air Force
Máy bay ném bom Boeing B-52 Stratofortress đã kỷ niệm 50 năm ngày lần đầu tiên cất cánh vào năm 2002, theo đó trở thành máy bay chiến đấu phục vụ lâu nhất trên thế giới, với tổng cộng 744 chiếc được chế tạo. Biến thể B-52H đi vào hoạt động năm 1961, với 104 chiếc được chế tạo. Chiếc cuối cùng được giao vào tháng 10/1962.
Không quân Mỹ đã cho nghỉ hưu 18 máy bay B-52H, để lại 76 máy bay ném bom đang hoạt động, đồn trú tại Căn cứ Không quân Barksdale, Louisiana và Căn cứ Không quân Minot ở Bắc Dakota. Những máy bay này được cất giữ trong một nhà chứa máy bay tại Căn cứ Không quân Tinker ở Oklahoma, phòng trường hợp cần đến trong tương lai.
Không quân Mỹ đang tái trang bị động cơ cho phi đội B-52 của mình theo Chương trình tái trang bị động cơ thương mại, với phi đội được tái trang bị động cơ dự kiến sẽ đạt được khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2025. Nhờ được nâng cấp toàn diện về hệ thống và cấu trúc, tuổi thọ phục vụ của B-52 dự kiến sẽ kéo dài đến sau năm 2040.
Minh Đức (Theo Zona Militar, Airforce Technology)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/hieu-qua-cuc-cao-cua-may-bay-nem-bom-b-52h-stratofortress-a88330.html