Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng nổi lên như một quốc gia hàng đầu trong việc phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV/drone), và với Anka-4 UCAV, quốc gia liên lục địa Á-Âu đang đưa tham vọng của mình lên một tầm cao mới.
Anka-4, vẫn đang trong giai đoạn ý tưởng, dự kiến sẽ không chỉ là sự phát triển của các mẫu máy bay không người lái Anka trước đó, mà còn là một hệ thống vũ khí có tiềm năng định hình lại động lực của chiến tranh hiện đại.
Theo các nguồn tin của Thổ Nhĩ Kỳ, Anka-4 sẽ là UAV tấn công tiên tiến tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cho các nhiệm vụ tự động, đưa cường quốc NATO này lên vị trí hàng đầu trong số các quốc gia theo đuổi việc tích hợp AI vào công nghệ quân sự.
Giống như các hệ thống chiến đấu hiện đại khác nhằm tận dụng tiềm năng của AI, Anka-4 có thể được điều khiển một phần hoặc toàn bộ bằng AI.
Điều này có nghĩa là mẫu UAV này sẽ có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tự động, thích ứng theo thời gian thực với các điều kiện chiến trường và hoạt động song song với máy bay chiến đấu có người lái, tăng thêm một lớp linh hoạt và độ chính xác trong hoạt động.
Với sự ra đời của UAV Anka-4, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được những lợi thế chiến lược đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh các hoạt động ở Syria, Libya và Đông Địa Trung Hải, nơi các công nghệ không người lái đã chứng minh được vai trò của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ, với tham vọng trở thành quốc gia đi đầu trong công nghệ UAV, có thể tạo ra loại vũ khí "thay đổi cuộc chơi" khi vũ trang cho Anka-4 bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh.
Các tên lửa siêu thanh, di chuyển với tốc độ vượt quá Mach 5, gần như không thể bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Hiện tại, các tên lửa siêu thanh như Zircon của Nga và AGM-183A ARRW của Mỹ đã được tích hợp vào máy bay có người lái hoặc các nền tảng mặt đất nhưng với UAV thì chưa.
Nếu Anka-4 có thể mang và phóng các tên lửa như vậy, nó sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ lên vị trí hàng đầu, như một nhà tiên phong trong việc sử dụng nền tảng chiến đấu tự động để khai hỏa vũ khí siêu thanh.
Khả năng thực hiện các cuộc tấn công siêu thanh từ UAV không chỉ khiến kẻ địch "không kịp trở tay", mà còn củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia dẫn đầu về công nghệ quốc phòng, có khả năng cạnh tranh với các cường quốc quân sự lớn nhất thế giới.
Tựu chung lại, UAV Anka-4 – tích hợp AI và tên lửa đạn đạo siêu thanh – sẽ mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một lợi thế độc đáo, không chỉ trong chiến lược phòng thủ của đất nước mà còn là một yếu tố quan trọng trong quan hệ địa chính trị toàn cầu.
Nếu dự án thành công, Anka-4 có thể trở thành thành phần chủ chốt trong chiến lược hàng không quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và là một "làn gió mới" trên trường quốc tế khi ngày càng nhiều quốc gia tìm cách tích hợp các hệ thống không người lái và tự động vào các lực lượng vũ trang của họ.
Bằng cách triển khai các nền tảng UAV như Anka-4, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ củng cố vị thế chiến lược của mình trong khu vực mà còn góp phần vào sự chuyển dịch toàn cầu sang các hệ thống chiến đấu tự động, vốn đang đóng vai trò ngày càng nổi bật trong các cuộc xung đột quân sự hiện đại.
Mặc dù dự án vẫn còn lâu mới thành hiện thực, nhưng tiềm năng định hình lại các ưu tiên chiến lược cho các cường quốc trong khu vực là không thể phủ nhận.
Mặc dù thông tin về Anka-4 còn rất ít và mang tính suy đoán cao, nhưng dự kiến Anka-4 sẽ là phiên bản nâng cấp của Anka-3 – một mẫu UAV đa năng cực kỳ ấn tượng, có khả năng thực hiện một loạt các hoạt động quân sự ưu tiên cao, từ trinh sát đến nhiệm vụ tấn công.
Anka-3 được trang bị các cảm biến tiên tiến được thiết kế để mang lại lợi thế trong giám sát và nhắm mục tiêu. Cảm biến quang điện/hồng ngoại (EO/IR) đảm bảo hình ảnh có độ phân giải cao cả ngày lẫn đêm, trong khi radar khẩu độ tổng hợp (SAR) cho phép UAV hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi và tầm nhìn thấp, theo dõi mục tiêu chính xác trên địa hình khó khăn.
Khả năng tấn công của UAV đến từ một loạt vũ khí dẫn đường chính xác có thể tích hợp vào nền tảng, từ bom dẫn đường nhỏ đến tên lửa dẫn đường bằng laser. Điều này khiến Anka-3 không chỉ hiệu quả trong việc thu thập thông tin tình báo mà còn có thể thực hiện các cuộc tấn công hủy diệt các mục tiêu có giá trị cao.
Tính linh hoạt này cho phép nó bổ sung cho các tài sản có người lái hoặc hoạt động độc lập trong các môi trường cạnh tranh.
Có lẽ một trong những tính năng quan trọng nhất của Anka-3 là hệ thống tác chiến điện tử (EW), có thể gây nhiễu radar của đối phương và phá vỡ các đường dây liên lạc, tăng cường vai trò của nó trong cả các hoạt động tấn công và phòng thủ.
Khả năng thực hiện các nhiệm vụ này một cách tự động của UAV khiến nó trở thành một lực lượng mạnh mẽ trên chiến trường hiện đại, có khả năng phá vỡ sự chỉ huy và kiểm soát của đối phương trong khi vẫn giữ được tính bí mật.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/may-bay-khong-nguoi-lai-anka-4-uav-thay-doi-cuoc-choi-a88079.html