Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho hay, Lai Châu làm "say" lòng người không chỉ bởi sự hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn bởi sự hồn hậu, chất phác, hiếu khách của cộng đồng 20 dân tộc sinh tụ trên mảnh đất biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Với ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, du khách đến với Lai Châu được khám phá nét văn hóa phong phú, đa dạng và riêng có của các dân tộc, từ việc hoà mình vào những lễ hội truyền thống; đắm say trước những bộ trang phục rực rỡ sắc màu với đường chỉ thêu khéo léo; hấp dẫn bởi sự đa dạng, độc đáo của những món ăn truyền thống mang đậm hương vị của núi rừng Tây Bắc. Không những vậy, chinh phục những cung đường uốn lượn quanh co của hai trong "Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc" - Ô Quy Hồ, hay Khau Phạ để đến với Lai Châu, du khách sẽ được tận hưởng những trải nghiệm riêng biệt.
Với đặc thù địa hình núi cao, Lai Châu hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, khám phá và chinh phục bởi "đặc sản núi" Lai Châu được mệnh danh "3 nhất": Nơi có tới 6/10 ngọn núi cao hùng vĩ nhất đất nước, như đỉnh Pu Si Lung cao 3.083 m, đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049 m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.046 m; nơi có những dãy núi nhấp nhô trải liền đẹp nhất và nơi có những dãy núi cao khắc nghiệt nhất.
Một số địa phương của tỉnh được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ và sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn, như cao nguyên Sìn Hồ, Dào San; hệ thống các mỏ nước khoáng nóng phục vụ du khách nghỉ dưỡng; vùng dược liệu chữa bệnh thu hút đông đảo du khách, như tắm thuốc Sìn Hồ. Địa phương cũng có lợi thế khai thác dịch vụ du lịch với các hồ thủy điện lớn, như Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát… Tất cả hòa quyện, tạo nên một Lai Châu đầy bí ẩn, hấp dẫn chờ đón du khách đến trải nghiệm.
"Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một chương trình trọng điểm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, hướng mục tiêu đón trên 2 triệu lượt khách vào năm 2030, thời gian qua Lai Châu đã chú trọng đầu tư, thu hút đầu tư và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch chất lượng đáp ứng được nhu cầu phân khúc thị trường khách cao cấp, nổi bật là: Khu du lịch cầu kính Rồng Mây, khu du lịch cổng trời Ô Quý Hồ, Pusamcap - khu hang động được mệnh danh "Tây Bắc đệ nhất động"; xây dựng điểm du lịch mạo hiểm dù lượn 'Bay trên nóc nhà Đông Dương' gắn với trải nghiệm văn hoá dân tộc Dao tại bản Sì Thâu Chải; bản du lịch cộng đồng ASEAN - Sin Suối Hồ và các sản phẩm du lịch chinh phục đỉnh cao", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết thêm.
Tuần Văn hóa-du lịch Lai Châu tại TP. Đà Nẵng năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 22-24/11 với chủ đề "Về với những đỉnh núi Lai Châu kỹ vĩ" với chuỗi hoạt động gồm:
Lễ khai mạc diễn với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng các bản du lịch cộng đồng; hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh; giới thiệu văn hoá-du lịch với các hoạt động giao lưu, trình diễn văn hoá như: xoè chiêng, múa xoè, múa sạp, hát Then-đàn Tính dân tộc Thái; kỹ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong, giã bánh dày, múa Khèn, làm khèn dân tộc Mông; nghề dệt truyền thống dân tộc Lự; tạo hình trang phục của dân tộc Hà Nhì...; không gian trưng bày, giới thiệu du lịch, sản phẩm OCOP, ảnh đẹp du lịch Lai Châu.
Lưu Hương
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/khai-mac-tuan-van-hoa-du-lich-lai-chau-tai-tp-da-nang-a83721.html