Gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

(Chinhphu.vn) - Chiều 15/11, Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Vùng).

Gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ- Ảnh 1.

Hội thảo gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Hội thảo nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như: Dự báo phát triển các ngành nghề trong kỷ nguyên số, định hướng phát triển các ngành kinh tế của các địa phương trong khu vực; chiến lược liên kết vùng phù hợp để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của Vùng; cơ chế chính sách ưu tiên phát triển các ngành mũi nhọn của Vùng; đề xuất các cách tiếp cận mới trong quy hoạch nhân lực phù hợp với từng địa phương; trao đổi thông tin, tháo gỡ những vướng mắc, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh gắn kết hiệu quả giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp...

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng khẳng định, hội thảo dịp để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ mối quan tâm, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết hiệu quả, bền vững và thực chất giữa 3 nhà "Nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp" trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo Giám đốc Đại học Đà Nẵng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình. Quy mô, chất lượng nguồn nhân lực của Vùng còn thấp so với hai trung tâm lớn ở hai đầu đất nước; chưa có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các dự án đầu tư trọng điểm lớn để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế; chưa có lợi thế cạnh tranh trong thu hút, quy tụ nhân tài, nhân sự cấp cao còn thiếu hụt. Hệ thống các trường đại học của Vùng tuy có sự phát triển, với 44 cơ sở giáo dục đại học, nhưng phần nhiều có quy mô đào tạo nhỏ, lẻ, đơn ngành; nguồn lực đầu tư hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu còn thiếu...

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp "Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn… trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới" để đảm nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và đất nước trong tình hình mới trở thành một yêu cầu hết sức cấp thiết.

Gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ- Ảnh 2.

Các đại biểu chia sẻ, trình bày ý kiến tại hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu 

Khuyến nghị giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị, các nhà quản lý cần tập trung đầu tư nâng cao hệ thống đào tạo nhân lực tại các địa phương trong Vùng như cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển đội ngũ quản lý, giảng viên; xây dựng các chương trình đào tạo với nội dung hướng đến thực hành nghề, các nghề mới, phong cách làm việc công nghiệp và kỷ luật lao động.

Đồng thời, thiết lập cơ chế để tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; phối hợp với các cơ sở đào tạo để cung cấp nguồn lao động ngay từ giai đoạn đầu khi doanh nghiệp triển khai dự án tại các địa phương; tổ chức các khóa học ngắn hạn dành cho lãnh đạo và quản lý của doanh nghiệp, nhằm giúp họ nhanh chóng thích nghi với sự biến đổi của thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Sự đồng hành của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫnCần có chiến lược đón đầu trong đào tạo nhân lực cảng biểnThủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"
Còn PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đánh giá, Nghị quyết 26 đã có những chỉ đạo cụ thể, bám sát bối cảnh và thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ "mạnh về biển, giàu từ biển’. Do đó việc đào tạo nguồn nhân lực phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế mũi nhọn trong Vùng trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học trong Vùng khẳng định vai trò, vị thế và năng lực của mình trước những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động trong Vùng.

"Cần tạo cơ chế và môi trường thông thoáng để tăng cường hợp tác quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp; tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới, chú trọng các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến và các chương trình đào tạo quốc tế.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các khu công nghiệp và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm số lượng, chất lượng và chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên để họ gắn bó với nghề, khẳng định vai trò tiên phong và nòng cốt trong công tác đổi mới giáo dục đào tạo các thế mạnh của Vùng", PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy góp ý thêm.

Lưu Hương


Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/gan-ket-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-a83630.html