Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, Hải quân Mỹ gần đây đã ban hành một Yêu cầu Thông tin (RFI) về phát triển Tên lửa hành trình phóng từ biển có khả năng hạt nhân (SLCM-N).
Chương trình được thiết kế để tạo ra một hệ thống tên lửa hành trình dạng module có khả năng sống sót cao nhằm cung cấp phản ứng tương xứng và đảm bảo không để lọt các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Mục tiêu là đưa vào hoạt động một hệ thống tên lửa hoàn chỉnh đáp ứng các yêu cầu kể trên vào năm tài chính 2034, trong khi các cuộc trình diễn nguyên mẫu tên lửa dự kiến diễn ra trong vòng 3 năm tới.
Tên lửa SLCM-N sẽ được triển khai trên Tàu ngầm đa năng tấn công nhanh (SSN) chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia và được chế tạo theo khái niệm "All Up Round" (AUR).
AUR có nghĩa là tên lửa được giao dưới dạng vũ khí đã lắp ráp hoàn chỉnh, ngoại trừ các bộ phận được lắp ráp nhanh như cánh và vây. Với tên lửa SLCM-N, điều này bao gồm một tên lửa đẩy có thể phá hủy, một tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và một ống phóng, cho phép phóng dưới nước từ bệ phóng của tàu ngầm lớp Virginia.
Ở đây, cách tiếp cận của Hải quân Mỹ nhấn mạnh vào việc tận dụng các công nghệ tiên tiến và thiết kế hệ thống mở dạng module để giảm thời gian phát triển tên lửa mới và kiểm soát chi phí trong khi vẫn duy trì tính linh hoạt cho các nâng cấp trong tương lai.
Mỹ lần đầu tiên đưa vào sử dụng một loại tên lửa hành trình phóng từ biển có khả năng hạt nhân vào giữa những năm 1980 với việc triển khai tên lửa TLAM-N – một biến thể có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk.
Những tên lửa này được bố trí trên cả tàu nổi và tàu ngầm tấn công, có tầm bắn khoảng 2.500 km (khoảng 1.550 dặm). Năm 1991, dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật trên biển được yêu cầu rút lại, dẫn đến việc loại bỏ tên lửa TLAM-N vào giữa năm 1992.
Hải quân Mỹ vẫn giữ nguyên tùy chọn tái triển khai các tên lửa trên tàu ngầm tấn công nếu cần thiết. Tuy nhiên, vào năm 2010, chính quyền Obama đã khuyến nghị loại bỏ hệ thống TLAM-N, coi nó là thừa thãi khi xét đến các khả năng hạt nhân khác có sẵn. Việc cho TLAM-N "nghỉ hưu" đã hoàn tất vào năm 2013.
Đánh giá tư thế hạt nhân (NPR) năm 2018 dưới thời chính quyền Trump đã đề xuất phát triển một tên lửa hành trình phóng từ biển có khả năng hạt nhân mới, hiện được gọi là SLCM-N.
Sáng kiến này nhằm mang lại cho Mỹ "sự hiện diện khu vực phi chiến lược" và giải quyết nhu cầu về các lựa chọn vũ khí hạt nhân linh hoạt và có sức công phá thấp trong kho vũ khí hạt nhân của "xứ cờ hoa". SLCM-N nhằm mục đích tăng cường khả năng răn đe đối với các đối thủ trong khu vực và trấn an các đồng minh của Washington.
Trong yêu cầu ngân sách năm tài chính 2022, chính quyền Biden đã phân bổ kinh phí cho việc nghiên cứu và phát triển SLCM-N. Tuy nhiên, Đánh giá tư thế hạt nhân (NPR) năm 2022 đã khuyến nghị hủy bỏ chương trình, cho rằng các năng lực hiện có đã đủ để đáp ứng các yêu cầu răn đe.
Mặc dù vậy, Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp kinh phí cho chương trình SLCM-N và đầu đạn của tên lửa này. Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia năm tài chính 2024 đã yêu cầu nhánh hành pháp đảm bảo khả năng hoạt động ban đầu của SLCM-N. Sau đó, Nhà Trắng đã thực hiện các bước để triển khai chương trình.
Phe ủng hộ tên lửa SLCM-N lập luận rằng nó cung cấp một lựa chọn hạt nhân linh hoạt và có khả năng sống sót, có thể triển khai ở nhiều khu vực khác nhau mà không cần phải bố trí tài sản hạt nhân ở các vùng lãnh thổ đồng minh.
Minh Đức (Theo Army Recognition, Interesting Engineering)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/my-ruc-rich-phat-trien-ten-lua-hanh-trinh-phong-tu-bien-co-kha-nang-hat-nhan-slcm-n-a83548.html