Sếp Kido: Khái niệm "công nhân livestream" đã xuất hiện ở Trung Quốc và tương lai cho DN tiêu dùng Việt

Thay vì mướn 10 người thì chủ doanh nghiệp chỉ cần 2-3 người, còn lại tận dụng AI.

“Hiện nay nhân viên trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thực hiện các phiên livestream, thậm chí một phiên livestream có thể đạt đến vài nghìn đơn hàng; bán hàng thời trang đổi size, đổi màu... thì AI hầu hết đều xử lý được. Dựa vào nền tảng công nghệ để phân tích và dựa câu hỏi để đưa ra câu trả lời, AI có thể xử lý 10.000 nhu cầu khác nhau”, Ông Nguyễn Minh Đức, phó tổng thư ký VECOM, chia sẻ tại Hội thảo 'Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử (TMĐT)' mới đây.

AI giúp DN giảm 70-80% nhân sự cho khâu bán hàng, hậu mãi

Theo ông, AI không thay thế hết con người nhưng nếu tận dụng tốt AI thì giúp doanh nghiệp giảm 70-80% nhân sự cho khâu bán hàng, hậu mãi. Chẳng hạn, thay vì mướn 10 người thì chủ doanh nghiệp chỉ cần 2-3 người, còn lại tận dụng AI.

Theo thống kê gần đây, 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trên sàn TMĐT thì chỉ có Vinamilk là doanh nghiệp nội, nhưng nằm cuối cùng trong danh sách, còn lại là ở Mỹ, Trung... Với những sản phẩm như thời trang, gia dụng... tỉ lệ người mua quan tâm hàng trong nước chỉ 17%, còn lại là hàng nước ngoài. Ngược lại, đối với hàng bách hóa, nông sản, thực phẩm, 80% người tiêu dùng quan tâm hàng Việt Nam.

Tham gia chia sẻ tại Hội thảo, Diệp Lê (32 tuổi), một KOL nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế hiện nay với những phiên livestream đem lại doanh thu triệu đô, chia sẻ trước đây cô kinh doanh cửa hàng thời trang nhưng sau dịch phải đóng cửa và chuyển sang làm KOL truyền cảm hứng trên mạng xã hội. Hiện Diệp Lê đang cùng chồng điều hành một công ty đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện trên sàn TMĐT.

Góc nhìn từ KOL: Thế mạnh của DN Việt là kiểm soát được chất lượng trong cuộc chơi TMĐT

Diệp Lê chia sẻ: " Tôi có đi Trung Quốc và Hàn Quốc để xem một số doanh nghiệp ở đây thực hiện livestream như thế nào để có thể bán những đơn hàng khủng, cũng như tìm hiểu các cách thức hỗ trợ doanh nghiệp nước sở tại bán hàng xuyên biên giới. Tôi thấy rằng không có một công thức chung nào cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc hay Hàn Quốc khi bán hàng ra thế giới. Và tôi tin Việt Nam mình cũng như thế".

Sau khi đồng hành cùng nhiều sàn TMĐT để thực hiện các phiên livestream lớn, KOL này cho rằng: "Vấn đề cần giải quyết khó nhất hiện nay với các đơn hàng quốc tế là cách kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, thế mạnh của hàng Việt Nam là có thể kiểm soát chất lượng đơn hàng".

Bên cạnh đó, theo Diệp Lê, doanh nghiệp Việt không bị rào cản ngôn ngữ nên đội ngũ chăm sóc khách hàng sẽ hoạt động thuận lợi hơn qua những chiến dịch hậu mãi của mình. Doanh nghiệp Việt cũng sẽ hiểu người tiêu dùng Việt hơn để có thể hoàn thành đơn hàng có trải nghiệm đầy đủ từ livestream lúc bán hàng cho đến khi người tiêu dùng cầm được món hàng trên tay. " Đó là lợi thế mà tôi thấy hiện tại doanh nghiệp trong nước mình có thể làm được trong giai đoạn này", Diệp Lê chia sẻ.

Khái niệm "công nhân livestream" đã xuất hiện ở Trung Quốc

Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, kiêm CEO kênh TMĐT E2E, thừa nhận TMĐT đang trở thành một xu hướng tất yếu trong phân phối sản phẩm, và tập đoàn Kido không thể nằm ngoài “cuộc chơi” này.

Đặc biệt, trong bối cảnh cao điểm mua sắm mùa cuối năm như hiện nay. Một trong những đơn vị thành viên là Tường An đã sớm ra mắt các bộ sản phẩm Tết 2025 trên thị trường từ giữa tháng 11/2024, bên cạnh 450.000 điểm bán, Công ty năm nay cho biết đang đẩy mạnh hoạt động livestream bán hàng và tiếp thị liên kết trên các kênh TMĐT, đặc biệt là TikTok với Kênh giải trí và mua sắm E2E trực thuộc Tập đoàn.

Đáng chú ý, không chỉ dầu ăn, bơ thực vật, Tường An năm nay bán thêm các loại gia vị - ngành hàng mới mà Kido vừa tuyên bố gia nhập từ đầu năm nay.

Sếp Kido: Khái niệm "công nhân livestream" đã xuất hiện ở Trung Quốc và tương lai cho DN tiêu dùng Việt- Ảnh 1.

Ảnh: Kido đẩy mạnh kênh livestream, TMĐT.

"Chúng tôi tham gia vào TMĐT không phải để cung cấp dịch vụ hay chỉ tập trung bán sản phẩm riêng. Chúng tôi định hướng xây dựng một kênh phân phối toàn diện, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm khác nhau, từ thương hiệu của Kido đến các đối tác", ông Bảo chia sẻ thêm về kênh bán hàng này,

Theo vị này, mạng xã hội và TMĐT đang định hình nên một nhóm lao động mới - những người có ảnh hưởng lớn. Họ không chỉ mang đến các sản phẩm chất lượng, mà còn tạo giá trị thực sự cho xã hội. Đây là một xu hướng tất yếu và cần được công nhận.

Ông cũng chỉ ra rằng tại các quốc gia phát triển như Trung Quốc, khái niệm "công nhân livestream" đã xuất hiện. Các doanh nghiệp thậm chí thiết lập các "nhà máy livestream" với hàng ngàn phòng và vận hành theo ca, giống như một dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp.

"Việc công nhận livestream như một lực lượng lao động chính thức không chỉ khích lệ cá nhân tham gia mà còn tạo động lực để ngành công nghiệp TMĐT phát triển hơn nữa", ông Bảo cho biết.

Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/sep-kido-khai-niem-cong-nhan-livestream-da-xuat-hien-o-trung-quoc-va-tuong-lai-cho-dn-tieu-dung-viet-a83199.html