Cuộc đua kiếm tiền từ tiếp thị liên kết
Temu, một sàn Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới chủ yếu cung cấp hàng hóa từ Trung Quốc, đang đẩy mạnh chiến lược tiếp thị liên kết tại thị trường Việt Nam.
Đối với nhiều người dùng, đây không chỉ là một nền tảng mua sắm mà còn là cơ hội để gia tăng thu nhập. Temu triển khai chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) với mức chiết khấu vô cùng hấp dẫn, lên đến 30%, cùng với khoản thưởng ban đầu lên tới 150.000 đồng cho mỗi lần đăng ký hoặc mua sắm thông qua đường dẫn chia sẻ của người tham gia.
Một điểm nổi bật trong chính sách này là mô hình chia hoa hồng nhiều cấp. Người tham gia không chỉ hưởng lợi từ những giao dịch của đối tác trực tiếp, mà còn nhận thêm 20% hoa hồng từ các thành viên cấp dưới. Chính mô hình này đã giúp Temu nhanh chóng thu hút hàng ngàn tài khoản chỉ trong vài ngày đầu ra mắt tại Việt Nam.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade Vietnam, cho biết: “Chính sách của Temu đang gây ra làn sóng lớn trên thị trường.
Người dùng, đặc biệt là các bạn trẻ, đang hứng thú với hình thức kiếm tiền này. Trong 24 giờ đầu tiên, lượng tài khoản mới tăng vọt, một phần nhờ vào mức hoa hồng quá hấp dẫn mà Temu đang cung cấp".
Sự xuất hiện của Temu đang làm dấy lên cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường TMĐT Việt Nam.
Với mức chiết khấu cao, Temu đang nhắm thẳng vào các đối thủ như Shopee, Lazada, TikTok Shop – những sàn TMĐT lớn đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần trong nước.
Còn theo ông Nguyễn Quyền, chuyên gia marketing & Co-Founder Lut Agency cho biết: “Sự gia nhập của Temu có thể khiến các đối thủ phải điều chỉnh chiến lược. Vì Temu đang thực sự tạo ra một sức ép lớn lên các sàn TMĐT hiện có.
Các nền tảng như Shopee và Lazada có thể sẽ phải xem xét lại các chương trình khuyến mãi và ưu đãi để giữ chân người dùng. Nếu không, họ sẽ mất đi một phần thị phần vào tay nền tảng này”.
Thực tế, Temu có lợi thế khi tập trung vào mô hình tiếp thị liên kết, một trong những hình thức quảng bá sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán lẫn người tiêu dùng.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề lớn đối với các nhà bán hàng trong nước, đặc biệt là những người đang hoạt động trên các sàn TMĐT hiện tại.
Rào cản thanh toán tại Việt Nam
Dù Temu mang lại cơ hội kiếm tiền hấp dẫn, nhưng không ít người dùng Việt Nam vẫn tỏ ra thận trọng trước những rủi ro tiềm ẩn. Hầu hết hàng hóa trên Temu đều xuất xứ từ Trung Quốc và nhiều sản phẩm không có thương hiệu rõ ràng. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về chất lượng sản phẩm mà người tiêu dùng sẽ nhận được.
Chia sẻ với PV, chị Hà Kiều Trang - chủ shop thời trang Hà Trang Clothing cho biết:” Nếu so về giá, một người bán hàng lâu năm như tôi ở trên Shopee và Tiktok Shop thì thấy giá sản phẩm trên Temu có thể rẻ thật, nhưng đối với người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, chỉ giá rẻ là chưa đủ. Họ đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ hậu mãi.
Temu cần thời gian để khẳng định được sự đáng tin cậy của mình trên thị trường. Đối với Shopee và TikTok Shop, thường thì người dùng Việt đã quen với việc sử dụng. Nhiều khách hàng của tôi mua đi mua lại nhiều lần do thứ nhất về chất lượng sản phẩm, thứ hai là các chính sách hậu mãi như giảm giá, quà tặng hay đơn giản là họ muốn đổi hàng cũng dễ dàng hơn vì mua bán trong nước.”
Thêm vào đó, việc thanh toán và nhận hoa hồng trên Temu cũng đang gặp phải một số phản hồi tiêu cực. Người tham gia chỉ có thể rút tiền hoa hồng sau khi hoàn tất các giao dịch mua sắm trong vòng 60 ngày. Điều này gây ra sự bất tiện cho những người mong muốn có lợi nhuận nhanh chóng.
Chị Lan Phương, một sinh viên mới tốt nghiệp, cho biết: “Temu có chính sách tiếp thị rất hấp dẫn, nhưng quy trình thanh toán hoa hồng kéo dài đến 60 ngày thực sự là một trở ngại. Nếu có thể rút tiền sớm hơn hoặc linh hoạt hơn trong các phương thức thanh toán, Temu chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tham gia hơn nữa'.
Ngoài ra, phương thức thanh toán của Temu cũng là rào cản lớn khiến người dùng đắn đo khi sử dụng.
Tại Việt Nam, hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD) vẫn rất phổ biến, chiếm ưu thế so với các hình thức thanh toán trực tuyến khác. Tuy nhiên, Temu chỉ hỗ trợ thanh toán qua thẻ tín dụng và Apple Pay, điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn đối với một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt.
Tương lai của Temu tại Việt Nam
Ông Nguyễn Quyền, Chuyên gia Marketing & Co-Founder Lut Agency chia sẻ: "Mặc dù còn gặp phải một số khó khăn, Temu đang tạo ra tác động lớn trên thị trường TMĐT Việt Nam. Với tiềm năng từ chương trình tiếp thị liên kết và chiến lược chiết khấu hấp dẫn, nền tảng này có thể là "kẻ thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến giành thị phần giữa các sàn TMĐT khác".
Số liệu mới nhất từ YouNet ECI cho thấy, trong quý II, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỷ đồng trên 4 sàn TMĐT lớn nhất. Shopee dẫn đầu với 71,4% thị phần, tiếp theo là TikTok Shop với 22%, Lazada chiếm 5,9%.
Các sàn nội địa như Tiki, Sendo và các tên tuổi quốc tế như Amazon Global, Alibaba hay Shein chỉ chiếm thị phần nhỏ. Temu, với sự xuất hiện đầy táo bạo, có thể là đối thủ tiềm năng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.
Dù mới chỉ xuất hiện, Temu đã khẳng định được vị trí của mình với chính sách kiếm tiền online đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, để thực sự "bùng nổ" tại Việt Nam, nền tảng này cần phải vượt qua các thách thức về chất lượng sản phẩm, chính sách thanh toán và thời gian rút hoa hồng.
Trong tương lai, nếu Temu điều chỉnh kịp thời và phù hợp, đây sẽ là một "đối thủ đáng gờm" trong cuộc chiến thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tuy nhiên, như Người Đưa Tin thông tin trước đó, hiện tại Temu vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại thị trường Việt Nam. Điều này cũng một phần làm người dùng hết sức “e dè” đối với sân chơi mới này.
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/ram-ro-xuat-hien-temu-co-chinh-phuc-duoc-thi-truong-viet-nam-a81718.html