Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Trái cây Việt không thể đi xa nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún

“Nông nghiệp là nghề đẻ ra tất cả các nghề” – thông điệp được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh tại diễn đàn về tăng sức cạnh tranh trái cây Việt, không chỉ là một lời nhắc nhở mà còn là định hướng chiến lược.

Trái cây Việt Nam không thể vươn xa nếu không tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị

Sáng 18/7, tại diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: chanh dây, chuối, dứa, dừa” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đã có nhiều đánh giá và chỉ đạo quan trọng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, Việt Nam có khoảng 1,28 triệu ha cây ăn quả với sản lượng gần 15 triệu tấn. Trong đó, 4 loại trái cây được nhấn mạnh tại diễn đàn là chanh dây, chuối, dứa và dừa đều có lợi thế tự nhiên, tiềm năng chế biến và dư địa thị trường lớn.

Tuy vậy, trong khi sầu riêng đã vươn lên vị trí mặt hàng xuất khẩu tỷ đô thì các loại trái cây còn lại vẫn đang loay hoay trong “chiếc áo chật” của mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết và chưa tận dụng hết cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Trái cây Việt không thể đi xa nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn.

Trong đó, sản phẩm chuối chiếm diện tích gần 161.000ha, giá trị xuất khẩu đạt 380 triệu USD năm 2024. Việt Nam hiện xếp thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu chuối nhưng chủ yếu vẫn xuất tươi, chế biến sâu còn ít.

Dứa chiếm diện tích hơn 52.000ha, sản lượng đạt 807.000 tấn (ước năm 2026). Xuất khẩu dứa chủ yếu sang châu Âu và Mỹ nhưng giá trị chưa cao do chế biến hạn chế. Dừa có hơn 202.000ha, sản lượng hơn 2,28 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt gần 1,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tỉ lệ sản phẩm thô từ dừa vẫn chiếm đa số. Và cuối cùng là chanh dây chiếm diện tích khoảng 12.000ha, sản lượng hơn 200.000 tấn. Năm 2024, xuất khẩu chanh dây đạt 172 triệu USD, đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt với tiềm năng thị trường lớn.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam khẳng định: “Trái cây Việt Nam sẽ không thể vươn xa nếu không tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp”.

Theo định hướng đến năm 2030, Bộ sẽ tập trung phát triển các loại trái cây chủ lực. Với chuối, cần ổn định diện tích từ 165.000 - 175.000ha; phát triển vùng nguyên liệu VietGAP, đẩy mạnh chế biến (chuối sấy, bột chuối, đồ uống), đa dạng hóa mẫu mã, xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.

“Nông nghiệp là nghề đẻ ra tất cả các nghề”. Muốn phát triển công nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái, thương mại nội địa hay xuất khẩu toàn cầu - tất cả đều phải bắt đầu từ nền tảng là nông nghiệp bền vững. 

Nhóm cây ăn quả chủ lực: Chanh dây, chuối, dứa, dừa - nếu được tổ chức lại khoa học, đầu tư chiều sâu, liên kết toàn chuỗi, thì không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu mà còn là nền tảng để thực hiện thành công mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đảng và Chính phủ đang kiên trì theo đuổi", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Trái cây Việt không thể đi xa nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún- Ảnh 2.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự diễn đàn.

Nền tảng cho mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, với sản phẩm dứa, Việt Nam cần duy trì diện tích 55.000 - 60.000ha; khuyến khích trồng rải vụ để phục vụ chế biến quanh năm, đầu tư sâu vào sản phẩm như nước ép, mứt, đồ hộp, tận dụng ưu đãi từ EVFTA để mở rộng thị phần EU. 

Chanh dây cần mở rộng diện tích lên 15.000ha; tập trung giống sạch bệnh, nghiên cứu mở cửa thị trường Mỹ, phát triển chế biến (nước ép, đông lạnh) phù hợp thị hiếu quốc tế. 

Và cuối cùng là dừa phải ổn định khoảng 200.000ha; thúc đẩy chế biến sâu (nước dừa đóng lon, mỹ phẩm, dầu dừa), phát triển mô hình trồng xen, nuôi xen để tăng hiệu quả kinh tế, kết hợp với du lịch sinh thái và sản phẩm OCOP.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm, nếu biết tổ chức lại một cách khoa học, đầu tư đúng trọng tâm và liên kết bền vững, nhóm trái cây chủ lực không chỉ đem lại giá trị xuất khẩu tỷ đô mà còn là nền tảng cho mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

"Chúng ta có lợi thế về khí hậu, đất đai và con người. Vấn đề còn lại là cách làm. Tổ chức lại ngành hàng trái cây chủ lực chính là chìa khóa để nông nghiệp Việt Nam bền vững, hội nhập và tăng trưởng trong dài hạn", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, các chuyên gia và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đưa ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trước hết, cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu một cách tập trung, bài bản; xây dựng bản đồ cây trồng phù hợp với từng địa phương; đồng thời cấp mã số vùng trồng gắn liền với truy xuất nguồn gốc và đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch quốc tế.

Song song đó là phát triển giống cây trồng chất lượng cao và áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại.

Trong đó, tập trung nghiên cứu và nhân rộng các giống có năng suất cao, kháng sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường; đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng kỹ thuật tiết kiệm nước, giảm hóa chất nhằm nâng cao chất lượng nông sản và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.

Thêm nữa, cần đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến sâu và hệ thống logistics lạnh, đặc biệt là hình thành các cụm chế biến – bảo quản ngay tại vùng nguyên liệu trọng điểm như Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai… Qua đó, nâng cao tỉ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tươi.

Song hành với đó là xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây Việt Nam, mở rộng xuất khẩu chính ngạch. Việc đàm phán mở cửa thị trường cần đi đôi với quảng bá thương hiệu một cách chuyên nghiệp, tránh tình trạng "trái cây Việt nhưng mang nhãn nước ngoài" khi xuất khẩu.

Một giải pháp then chốt khác là tổ chức lại chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao vai trò của hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc dẫn dắt sản xuất theo chuỗi giá trị, từ vùng nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ cuối cùng.

Cuối cùng, cần giảm sự lệ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc hay ASEAN, chuyển hướng mạnh sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông… thông qua việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/thu-truong-tran-thanh-nam-trai-cay-viet-khong-the-di-xa-neu-cu-san-xuat-nho-le-manh-mun-a113721.html