“Tôi chạy xe điện vì nghèo”: Chỉ 1 câu nói đã lý giải vì sao Trung Quốc đi trước nhân loại những 10 năm

"Tôi nghĩ thế giới nên cảm ơn Trung Quốc vì đã mang công nghệ này đến cho nhân loại", Tôn Tinh Quốc nói. “Tôi nghĩ như vậy thật đấy”.

“Tôi chạy xe điện vì nghèo”: Chỉ 1 câu nói đã lý giải vì sao Trung Quốc đi trước nhân loại những 10 năm- Ảnh 1.

Tại Trung Quốc, xe điện không phải là món hàng xa xỉ mà là một lựa chọn kinh tế thiết thực. Nhờ một kế hoạch tổng thể kéo dài hàng thập kỷ cùng các chính sách trợ giá khổng lồ, quốc gia này đã vươn lên dẫn đầu thế giới trong một ngành công nghiệp được xem là tương lai của nhân loại.

"Tôi lái xe điện vì tôi nghèo", anh Lục Vân Phong, một tài xế xe công nghệ, chia sẻ tại một trạm sạc ở ngoại ô Quảng Châu, miền nam Trung Quốc.

“Tôi chạy xe điện vì nghèo”: Chỉ 1 câu nói đã lý giải vì sao Trung Quốc đi trước nhân loại những 10 năm- Ảnh 2.

Tài xế Lục Vân Phong.

Đứng gần đó, anh Tôn Tinh Quốc cũng đồng tình. "Chi phí để chạy một chiếc xe xăng quá đắt đỏ. Lái xe điện giúp tôi tiết kiệm được tiền bạc", anh chỉ ra. "Thêm vào đó, nó còn bảo vệ môi trường nữa", Tôn nói thêm, tựa người vào chiếc xe Beijing U7 màu trắng của mình.

Đó là cuộc trò chuyện mà có lẽ những nhà vận động vì khí hậu hằng mơ ước được nghe thấy. Ở nhiều quốc gia, xe điện (EV) vẫn được xem là một lựa chọn xa xỉ.

Thế nhưng ở Trung Quốc – nơi gần một nửa số ô tô bán ra vào năm ngoái là xe điện – lại là một thực tế hết sức bình thường.

Ngôi vương ngành xe điện

Vào đầu thế kỷ này, giới lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch thống trị các công nghệ của tương lai. Từ một "vương quốc xe đạp", Trung Quốc ngày nay đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xe điện.

Đối với hơn 18 triệu người dân Quảng Châu, tiếng gầm rú của động cơ trong giờ cao điểm giờ đây đã được thay thế bằng tiếng rít trầm lặng.

"Khi nói đến xe điện, Trung Quốc đi trước 10 năm và vượt trội hơn 10 lần so với bất kỳ quốc gia nào khác", nhà phân tích ngành ô tô Michael Dunne nhận định.

Hiện tại, BYD của Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu sau khi vượt qua đối thủ sừng sỏ đến từ Mỹ là Tesla vào đầu năm nay.

“Tôi chạy xe điện vì nghèo”: Chỉ 1 câu nói đã lý giải vì sao Trung Quốc đi trước nhân loại những 10 năm- Ảnh 3.

Thành công của BYD được củng cố bởi thị trường nội địa khổng lồ với hơn 1,4 tỷ dân, và giờ đây hãng đang đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Cùng với BYD là hàng loạt các công ty khởi nghiệp khác của Trung Quốc chuyên sản xuất xe điện giá cả phải chăng cho thị trường đại chúng.

Vậy, Trung Quốc đã xây dựng vị thế dẫn đầu này như thế nào và liệu các đối thủ có thể bắt kịp?

Kế hoạch tổng thể

Khi truy tìm nguồn gốc sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện, các nhà phân tích thường nhắc đến công lao của ông Vạn Cương (Wan Gang) – một kỹ sư được đào tạo tại Đức và trở thành Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc vào năm 2007.

"Ông ấy nhìn xung quanh và nói: 'Tin tốt là chúng ta hiện là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Tin xấu là trên đường phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, tôi chỉ toàn thấy các thương hiệu nước ngoài'", Dunne kể lại.

Vào thời điểm đó, các thương hiệu nội địa Trung Quốc đơn giản là không thể cạnh tranh về chất lượng và uy tín với các nhà sản xuất ô tô từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Những công ty này đã có một lợi thế đi trước không thể san lấp trong việc sản xuất ô tô chạy bằng xăng hoặc diesel.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào, lực lượng lao động tay nghề cao và một hệ sinh thái các nhà cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô. Do đó, Vạn Cương quyết định "thay đổi cuộc chơi và lật ngược thế cờ bằng cách chuyển hướng sang xe điện".

Đó chính là kế hoạch tổng thể.

“Tôi chạy xe điện vì nghèo”: Chỉ 1 câu nói đã lý giải vì sao Trung Quốc đi trước nhân loại những 10 năm- Ảnh 4.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã đưa xe điện vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm từ năm 2001, nhưng phải đến thập niên 2010, họ mới thực sự rót những khoản trợ cấp khổng lồ để phát triển ngành này.

Không giống các nước phương Tây, Trung Quốc có khả năng huy động các nguồn lực khổng lồ của nền kinh tế trong nhiều năm liền để theo đuổi các mục tiêu đã định. Các dự án cơ sở hạ tầng vĩ đại và vị thế thống trị trong lĩnh vực sản xuất của quốc gia này là minh chứng rõ ràng nhất.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ước tính rằng từ năm 2009 đến cuối năm 2023, Bắc Kinh đã chi khoảng 231 tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp xe điện.

Từ người tiêu dùng, nhà sản xuất ô tô cho đến các nhà cung cấp điện và pin, tất cả các thành phần trong hệ sinh thái xe điện tại Trung Quốc đều nhận được sự hỗ trợ về tài chính và chính sách.

Sự kết hợp giữa tầm nhìn dài hạn và nguồn vốn từ chính phủ cũng giúp Trung Quốc thống trị các chuỗi cung ứng pin quan trọng. Điều này đã giúp xây dựng mạng lưới trạm sạc công cộng lớn nhất thế giới, tập trung tại các thành phố lớn, nơi người lái xe chỉ mất vài phút để đến trạm sạc gần nhất.

"Ngày nay, nếu bạn muốn sản xuất một viên pin cho xe điện, mọi con đường đều phải đi qua Trung Quốc", Dunne khẳng định.

"Xe điện là lựa chọn hợp lý với tôi"

Theo nghiên cứu của CSIS, người tiêu dùng trẻ Trung Quốc bị thu hút bởi công nghệ đỉnh cao, nhưng sức hấp dẫn nhất của xe điện là mặt tài chính, khi được chính phủ hỗ trợ.

“Tôi chạy xe điện vì nghèo”: Chỉ 1 câu nói đã lý giải vì sao Trung Quốc đi trước nhân loại những 10 năm- Ảnh 5.

Người dân được nhận trợ cấp khi đổi xe chạy xăng sang xe điện, được miễn thuế và hưởng giá sạc ưu đãi tại các trạm công cộng.

Chính những ưu đãi này đã thúc đẩy anh Lục chuyển sang xe điện hai năm trước. Anh cho biết trước đây phải tốn 200 nhân dân tệ (khoảng 27,84 USD) để đổ đầy bình xăng cho quãng đường 400 km. Giờ đây, chi phí sạc điện chỉ bằng một phần tư con số đó.

Người dân Trung Quốc cũng thường phải trả hàng nghìn đô la cho một tấm biển số xe – đôi khi còn đắt hơn cả chiếc xe – trong nỗ lực hạn chế tắc nghẽn và ô nhiễm của chính phủ. Giờ đây, anh Lục được cấp biển số xanh (dành cho xe năng lượng mới) hoàn toàn miễn phí.

"Người giàu lái xe xăng vì họ có nguồn lực không giới hạn", anh Lục nói. "Với tôi, một chiếc xe điện đơn giản là lựa chọn hợp lý nhất."

Một chủ xe điện khác ở Thượng Hải, cô Daisy, chia sẻ rằng thay vì sạc tại trạm, cô chọn cách đổi pin tại một trong nhiều trạm đổi pin tự động của hãng Nio. Chỉ trong vòng chưa đầy ba phút, hệ thống máy móc sẽ thay thế viên pin đã cạn bằng một viên pin được sạc đầy. Đây là một công nghệ tối tân với chi phí thấp hơn cả một bình xăng.

"Người Trung Quốc đang nghĩ về một tương lai mà họ sẽ sản xuất gần như mọi chiếc ô tô cho cả thế giới. Họ nhìn quanh và tự hỏi, 'Liệu có ai làm tốt hơn chúng ta không?'", nhà phân tích Dunne nói.

"Các nhà lãnh đạo ở khắp nơi trên thế giới, đều đang lắc đầu. Đây là một kỷ nguyên mới, và người Trung Quốc đang cảm thấy rất tự tin về triển vọng của mình."

“Tôi chạy xe điện vì nghèo”: Chỉ 1 câu nói đã lý giải vì sao Trung Quốc đi trước nhân loại những 10 năm- Ảnh 6.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về môi trường, vẫn còn đó những nghi ngờ về việc phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc.

Cựu lãnh đạo cơ quan tình báo MI6 của Anh, Sir Richard Dearlove, gần đây đã gọi xe điện Trung Quốc là "những chiếc máy tính có bánh xe" có thể "bị điều khiển từ Bắc Kinh".

Thế nhưng, tuyên bố của ông về việc xe điện Trung Quốc một ngày nào đó có thể làm tê liệt các thành phố của Anh đã bị bà Stella Li, Phó Chủ tịch điều hành của BYD, bác bỏ trong một cuộc phỏng vấn với BBC.

"Người thua cuộc thì cái gì họ cũng nói được. Vậy thì sao?", bà nói. "BYD chi trả cho một tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu rất cao. Chúng tôi sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ địa phương cho tất cả dữ liệu của mình. Trên thực tế, chúng tôi làm tốt hơn gấp 10 lần so với đối thủ."

Với tài xế Tôn Tinh Quốc ở Quảng Châu, anh cho rằng mọi thứ rất đơn giản.

"Tôi nghĩ thế giới nên cảm ơn Trung Quốc vì đã mang công nghệ này đến cho nhân loại", anh cười. "Tôi thực sự nghĩ như vậy đấy".

Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/toi-chay-xe-dien-vi-ngheo-chi-1-cau-noi-da-ly-giai-vi-sao-trung-quoc-di-truoc-nhan-loai-nhung-10-nam-a113542.html