Sáng 15/7, Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP đã được tổ chức. Các cuộc đối thoại cấp cao sẽ xoay quanh mô hình "Mỗi quốc gia mỗi xã một sản phẩm ưu tiên" (phiên bản OCOP quốc tế), hướng đến mục tiêu tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời truy xuất nguồn gốc rõ ràng và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường.
Hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, là quốc gia nông nghiệp với trên 60% dân số sống ở nông thôn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng sau gần 4 thập kỷ đổi mới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam.
Theo đó, năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2025, con số này đã đạt 33,84 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, việc thúc đẩy những sáng kiến liên kết như OCOP càng trở nên cần thiết.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chú trọng đến yếu tố bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh nông nghiệp thông minh. Cam kết tăng trưởng ngành đạt trên 4% mỗi năm là minh chứng cho quyết tâm hội nhập và phát triển xanh, toàn diện của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Khởi xướng từ năm 2018, chương trình OCOP giúp phát huy nội lực địa phương và trao quyền cho cộng đồng nông thôn. Đến nay, Việt Nam có hơn 16.800 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, với trên 60% chủ thể tăng doanh thu trung bình 18% mỗi năm.
"OCOP không chỉ là thương hiệu, mà là một mô hình phát triển sáng tạo, nơi Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng cùng tham gia vào quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng và kết nối thị trường", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chương trình OCOP hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang triển khai chương trình với một số tên gọi khác nhau nhưng đều có điểm chung là phát huy nội lực của các địa phương gắn với đơn vị hành chính làng, xã để phát huy sức sáng tạo và nội lực tiềm năng của các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao.
Đến nay, Việt Nam có hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, với trên 60% chủ thể tăng doanh thu trung bình 18% mỗi năm.
Từ OCOP, Việt Nam đã hiện thực hóa các mục tiêu "Bốn tốt hơn" của FAO, với những kết quả cụ thể: sản xuất dựa trên lợi thế bản địa, đa dạng hóa dinh dưỡng, bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và cộng đồng dân tộc thiểu số.
Từ đó, lãnh đạo Bộ NN&MT đề xuất 3 định hướng hợp tác trong giai đoạn tới: chia sẻ chính sách, công nghệ và thị trường giữa các nước; tăng cường đào tạo cho các đối tượng yếu thế ở nông thôn và thí điểm mô hình hợp tác công - tư - cộng đồng để phát triển bền vững.
OCOP là cảm hứng của nhiều quốc gia
Chia sẻ tại sự kiện, bà Beth Bechdol - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước đang phát triển và chia sẻ những bài học giá trị trong chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng bền vững và bao trùm.
Bà Beth Bechdol - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.
Theo bà Beth Bechdol, chương trình OCOP của Việt Nam là nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia. Sáng kiến OCOP giúp khai thác tiềm năng của các sản phẩm để đa dạng hóa sản xuất, cải thiện an ninh lương thực và tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc lớn, đặc biệt là trong bối cảnh 75% lương thực toàn cầu chỉ đến từ 12 loài cây và 5 loài vật nuôi.
Tại diễn đàn, bà Bechdol cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của đổi mới sáng tạo, truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ trong triển khai OCOP. Theo đó, FAO đang hợp tác với nhiều trung tâm khoa học tại châu Á - Thái Bình Dương và tổ chức UN-ESCAP để hỗ trợ các nước định vị sản phẩm đặc thù trên thị trường quốc tế thông qua cung cấp dữ liệu thị trường kịp thời, đáng tin cậy.
Nhân dịp này, FAO đã công bố chuỗi video công thức, video chuyển giao công nghệ về chỉ dẫn địa lý và phát triển bền vững cùng bộ phân tích thị trường mở đầu với sản phẩm OCOP của Bhutan… để hỗ trợ các quốc gia OCOP.
"Chúng ta đang cùng định hình tương lai hệ thống lương thực toàn cầu, nơi sản phẩm địa phương vừa nuôi sống cộng đồng, vừa gìn giữ văn hóa và thúc đẩy kinh tế", bà Beth Bechdol nhấn mạnh, đồng thời khẳng định FAO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam và các nước để lan tỏa tinh thần OCOP ra thế giới một cách mạnh mẽ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, chương trình OCOP là nơi Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng cùng tham gia vào quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng và kết nối thị trường.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP không chỉ là hàng hóa, mà là sự kết tinh của văn hóa, tri thức và tài nguyên bản địa. Từ đặc sản vùng miền, làng nghề đến dịch vụ du lịch gắn với không gian văn hóa, OCOP mang trong mình tính độc đáo, khó sao chép, tạo lợi thế cạnh tranh trong một thị trường ngày càng đa dạng.
Các sản phẩm OCOP được phân hạng theo tiêu chí quốc gia ở mức 3, 4, 5 sao về chất lượng, an toàn, giá trị cộng đồng, năng lực thương mại. "Việc gắn sao giúp người tiêu dùng nhận diện dễ dàng, tạo niềm tin và mở đường cho OCOP vào hệ thống phân phối lớn, thậm chí xuất khẩu", ông Tiến chia sẻ.
Tuy nhiên, phần lớn chủ thể OCOP là hộ cá thể, hợp tác xã nhỏ, sản xuất thủ công nên khó đáp ứng đơn hàng lớn, chưa tận dụng được nền tảng số. "Nhiều nơi chưa có gian hàng điện tử, thiếu nhân lực vận hành, chưa gắn thương hiệu với mạng xã hội nên khó tiếp cận người tiêu dùng trẻ và thị trường toàn cầu", ông nói.
Từ đó, ông Tiến đề xuất chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì thân thiện môi trường; đồng thời đào tạo kỹ năng xúc tiến thương mại, kết nối vùng nguyên liệu, phát huy làng nghề truyền thống. "Người tiêu dùng cần được trải nghiệm sản phẩm tận tay, đó là cách tốt nhất để OCOP lan tỏa giá trị và xây dựng thương hiệu Việt", Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhấn mạnh.
Kết luận, Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam nhận định, để mô hình phát huy hiệu quả, cần có sự đồng hành của Nhà nước thông qua chính sách phù hợp, cùng với vai trò chủ động của cộng đồng, doanh nghiệp và hợp tác xã. Đồng thời, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại diễn đàn, Việt Nam cam kết tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác Nam – Nam và hợp tác 3 bên trong đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển OCOP phù hợp với điều kiện từng nước.
"Chính những vùng đất giàu bản sắc, từ thảo nguyên châu Phi đến ruộng bậc thang châu Á, là nền tảng để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, bảo tồn thiên nhiên và thúc đẩy kinh tế cộng đồng. Việc hợp tác hiệu quả sẽ nâng cao giá trị sản phẩm bản địa, tạo thêm sinh kế và tiếng nói chung cho các nước đang phát triển trên trường quốc tế", Thứ trưởng Bộ NN&MT khẳng định.
Phương Anh - Quỳnh Chi
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/ocop-khong-chi-la-thuong-hieu-ma-la-mot-mo-hinh-phat-trien-sang-tao-a113313.html