Du lịch biển Sầm Sơn hút khách
Thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2025, địa phương đã thu hút 10.541.000 lượt khách, tăng 7,8 % so với cùng kỳ 2024, đạt 65,9% kế hoạch năm 2025. Tổng thu hoạt động du lịch đạt 26.507 tỷ đồng, tăng 33,5 % so với cùng kỳ 2024, đạt 58,3% kế hoạch năm 2025.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 76 dự án đầu tư kinh doanh du lịch (với 18 dự án hoàn thành và 58 dự án đang triển khai), tổng vốn đăng ký khoảng 152.000 tỷ đồng.
Trong những năm qua, du lịch Thanh Hóa ngày càng phát triển và có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của địa phương.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, để có được kết quả trên, những năm qua địa phương đã có chính sách thu hút và giữ chân du khách khi họ đến với các khu, điểm du lịch của tỉnh (Sầm Sơn, Hải Tiến, Pù Luông …).
Đầu tiên, Thanh Hóa đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối các khu, điểm trọng điểm (Tuyến quốc lộ ven biển; tuyến đường Thanh Hóa – Hòa Bình (nay là tỉnh Phú Thọ) … nâng cao khả năng tiếp cận, liên kết vùng và thu hút khách du lịch đến với Thanh Hóa.
Màn pháo hoa tại đêm khai mạc lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2025.
Đồng thời, địa phương cũng tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như: Đường giao thông kết nối nội khu, hệ thống xử lý rác, nước thải, hệ thống điện, nước sạch, biển chỉ dẫn, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn ... nhằm nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ khách du lịch.
Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các khu du lịch biển nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ khách du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ và cao điểm để du khách yên tâm tham gia các hoạt động du lịch.
Phát triển đa dạng loại hình du lịch (biển, cộng đồng, văn hóa tâm linh…) phù hợp với nhiều đối tượng khách; đồng thời định hướng các doanh nghiệp đưa vào khai thác nhiều dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn như: Du lịch trekking tại khu du lịch Pù Luông; tổ hợp đô thị biển và du lịch nghỉ dưỡng Vlasta tại khu du lịch biển Sầm Sơn; Onsen khoáng nóng tại khu du lịch Flamingo...
Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hóa theo chủ đề "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa" trên báo chí và các nền tảng số. Từ đó góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Thanh Hóa, qua đó kích cầu du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Bãi biển đẹp, hạ tầng và dịch vụ phát triển đã thu hút lượng khách rất lớn đến với Sầm Sơn vào mùa hè.
Tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ ngân sách tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại các địa phương, khu điểm du lịch như sự kiện lễ hội du lịch biển, liên hoan văn hóa ẩm thực, các lễ hội truyền thống … để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.
Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành khảo sát điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch, kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với các địa phương có thị trường gửi khách lớn lân cận như Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Nghệ An…thông qua các tuyến quốc lộ.
Tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh tích cực hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch như: miễn phí, giảm giá vào cửa một số điểm tham quan, khu du lịch, khu di tích tại một số thời điểm; các doanh nghiệp du lịch giảm giá các sản phẩm, lưu trú, ăn uống, mua sắm.
Chiến lược thu hút khách 4 mùa đến với Thanh Hóa
Giống như nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch biển, dù hàng năm thu hút được lượng khách lớn, nhưng Thanh Hóa vẫn được coi là tỉnh du lịch mùa vụ. Có nghĩa là địa phương này dựa vào tiềm năng, thế mạnh của du lịch biển, thu hút lượng lớn khách vào mùa hè, còn các mùa khác trong năm lượng khách đến với địa phương này khá khiêm tốn.
Theo bà Vương Thị Hải Yến, ngoài du lịch biển vào mùa hè, để phát huy các thế mạnh khác, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tạo sản phẩm du lịch mới, cao cấp.
Đồng thời, đầu tư hoàn thiện hệ thống Cảng Nghi Sơn kết hợp cảng tàu du lịch để có thể đón khách du lịch đường biển; nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân trở thành cảng hàng không quốc tế. Địa phương đầu tư mở các đường bay thẳng từ Thanh Hóa kết nối trực tiếp với các thị trường trọng điểm du lịch, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho du khách.
Bản Mạ thuộc huyện Thường Xuân (cũ) là điểm du lịch cộng đồng hút khách quanh năm, góp phần làm đa dạng các loại hình du lịch ở Thanh Hóa.
Thanh Hóa cũng đẩy mạnh thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án du lịch đầu tư quy mô lớn, phức hợp, nhiều dịch vụ bổ trợ, vui chơi giải trí để hình thành các sản phẩm du lịch mới, đồng bộ, chất lượng cao thu hút khách du lịch bốn mùa.
Tỉnh Thanh Hóa cũng hình thành các sản phẩm du lịch ít phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, không mang tính thời vụ như: Du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch tàu biển, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch Mice, du lịch golf, du lịch vui chơi giải trí …
Tổ chức thường niên các sự kiện du lịch biển (chủ yếu tập trung vào mùa thấp điểm), các chương trình nghệ thuật, hoạt động thể thao biển (golf, bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, lướt ván, đua thuyền buồm…) nhằm tạo dựng thương hiệu và thu hút khách du lịch quanh năm.
Tăng cường công tác kết nối, xây dựng tour, tuyến để quảng bá, chào bán tại các thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, đặc biệt khai thác sự khác biệt đối với thị trường khách du lịch từ các tỉnh Miền Trung và Miền Nam Việt Nam là sự trải nghiệm du lịch mùa đông tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Thanh Hóa.
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/de-thanh-hoa-la-diem-den-4-mua-cua-du-khach-a113237.html