"Hồi sinh" những giá trị văn hóa đang bị lãng quên

Nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, Bộ VH-TT&DL triển khai kế hoạch hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống.

Trước thực trạng mai một ngày càng rõ rệt của nhiều loại hình văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc này. 

Kế hoạch hướng đến mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một và lan tỏa ý thức gìn giữ giá trị truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh việc phục dựng các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, nghề thủ công… chương trình cũng đặt trọng tâm vào việc truyền dạy, thực hành, biểu diễn và truyền thông văn hóa sống một cách bài bản, khoa học, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Theo Kế hoạch, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức hàng loạt hoạt động nghiên cứu, tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại nhiều tỉnh, nơi có cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời.

Tại Nghệ An, chương trình tập trung vào bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Ơ Đu và Khơ Mú. Các lớp tập huấn sẽ cung cấp kiến thức về thực trạng, chính sách văn hóa dân tộc và phương pháp bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Đây là những dân tộc có số lượng dân cư ít, giá trị văn hóa độc đáo nhưng đang bị lãng quên dần trong nhịp sống hiện đại.

 "Hồi sinh" những giá trị văn hóa đang bị lãng quên- Ảnh 1.

Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức hàng loạt hoạt động nghiên cứu, tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại nhiều tỉnh.

Ở Điện Biên, điểm nhấn là phục dựng Lễ Quét làng của dân tộc Phù Lá, một nghi lễ truyền thống mang đậm tín ngưỡng bản địa. Cùng với đó là việc bảo tồn các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Cống, một kho tàng âm nhạc dân gian quý giá, gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào miền núi Tây Bắc.

Tại Lâm Đồng, chương trình hướng đến dân tộc Chu Ru và dân tộc Mạ, đây là hai cộng đồng sở hữu kho tàng dân ca, dân nhạc đặc sắc nhưng ít được ghi chép, lưu trữ đầy đủ. Các chuyên đề tập huấn sẽ tập trung vào việc số hóa di sản, khơi dậy ý thức bảo tồn trong cộng đồng, đồng thời xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.

Không dừng lại ở lý thuyết hay sưu tầm tài liệu, kế hoạch lần này đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "truyền dạy – thực hành – phổ biến". 

Các hoạt động truyền dạy, hướng dẫn trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống sẽ được tổ chức tại chỗ, do chính các nghệ nhân địa phương đảm nhiệm. Song song đó là việc hỗ trợ đạo cụ, nhạc cụ, thiết bị biểu diễn và ghi hình, dựng phim tư liệu về di sản nhằm xây dựng kho dữ liệu phong phú phục vụ giáo dục, quảng bá, truyền thông trong cộng đồng.

Các sản phẩm phim tư liệu sau khi hoàn thiện sẽ được chuyển giao cho địa phương, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và giúp các thế hệ sau dễ dàng tiếp cận kho tàng văn hóa quý báu của ông cha.

Việt Nam ghi điểm tại Liên Hợp Quốc bằng triển lãm đậm chất văn hóa, nhân vănChính quyền cấp xã được giao 15 nhiệm vụ ngành văn hóa, thể thao và du lịch

Bộ VH-TT&DL yêu cầu toàn bộ quá trình hỗ trợ, bảo tồn phải được thực hiện trên cơ sở khoa học, tôn trọng đặc trưng văn hóa từng tộc người và phù hợp với thực tiễn địa phương. 

Mọi hoạt động phải đảm bảo đúng quy trình chuyên môn, phát huy vai trò chủ thể văn hóa của chính cộng đồng.

Việc khuyến khích người dân tham gia tích cực vào phục dựng, thực hành và truyền dạy di sản được xem là giải pháp cốt lõi để di sản phát huy.

Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, giới nghiên cứu, nghệ nhân dân gian và các tổ chức xã hội là điều kiện tiên quyết để hoạt động bảo tồn đạt hiệu quả thực chất và lâu dài.

Trọng tâm nguồn lực sẽ được ưu tiên cho những loại hình đang bên bờ mai một như lễ hội truyền thống, dân ca cổ, dân nhạc, dân vũ và nghề thủ công truyền thống, những "mạch ngầm văn hóa" góp phần tạo nên bản sắc riêng của từng cộng đồng thiểu số trên dải đất hình chữ S.

Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/hoi-sinh-nhung-gia-tri-van-hoa-dang-bi-lang-quen-a111773.html