Chống trục lợi nhà ở xã hội

Theo các chuyên gia, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm gắt gao các dự án nhà ở xã hội hiện nay là việc làm vô cùng cần thiết để ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách nhà ở của một số đối tượng.

Trả lại nhà ở xã hội

Mới đây, sự việc xảy ra tại chung cư nhà ở xã hội ở phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã khiến dư luận chú ý. Cụ thể, nhiều hộ dân bao gồm cả cán bộ, công chức bất ngờ xin trả lại nhà sau đợt kiểm tra của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai. Trong đó, có những trường hợp là cán bộ, công chức, gây lãng phí nguồn lực nhà ở xã hội và làm giảm cơ hội tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thực sự có nhu cầu.

Chống trục lợi nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Khu 4 block chung cư nhà ở xã hội phường Quang Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai Ảnh: Lê An

Sự việc này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trục lợi chính sách nhà ở xã hội tại địa phương.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng, vụ việc tại Cty Cổ phần Kinh doanh Nhà Đồng Nai (đơn vị quản lý, vận hành chung cư nhà ở xã hội tại phường Quang Vinh, TP Biên Hòa) chỉ là “bề nổi của tảng băng trôi”. Đây là những trường hợp rõ ràng - người thuê, mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng phải trả lại nhà. Nhưng thực tế, đối tượng trục lợi nhà ở xã hội theo nhiều phương thức khác nhau. Có trường hợp người đứng tên trên hợp đồng mua nhà ở xã hội là đúng đối tượng, nhưng người đó lại không có nhu cầu ở, thậm chí người ta đăng ký hộ khẩu ở đó nhưng lại cho người khác ở. Việc phát hiện, thu hồi nhà sẽ phức tạp hơn. Vì thế, theo ông Châu, điều đầu tiên là lòng tự trọng của người mua nhà ở xã hội, nếu không đúng tiêu chí, tiêu chuẩn mua, hoặc đã có nhà không có nhu cầu ở thì không nên tìm cách trục lợi, mà nhường cơ hội đó cho những người thực sự cần thiết.

Theo ông Châu, Luật Nhà ở năm 2023 quy định rõ việc cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội trong trường hợp mua, bán, cho thuê lại nhà ở xã hội trái với đối tượng và quy định của luật nhằm tránh lợi dụng chính sách. Cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, thành phố (trực tiếp ở đây là Sở Xây dựng) cần tăng cường, thúc đẩy công tác hậu kiểm nhà ở xã hội một cách chặt chẽ, thực chất.

“Sở Xây dựng cần xem công tác hậu kiểm nhà ở xã hội là một công tác hết sức quan trọng và phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thanh tra, kiểm tra những người đang thuê, mua nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội. Ai không đáp ứng đúng, đủ tiêu chí, tiêu chuẩn, thuê mua nhà ở xã hội thì cứ theo pháp luật thi hành”, ông Châu nói.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm gắt gao các dự án nhà ở xã hội hiện nay là việc làm vô cùng cần thiết để ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách nhà ở của một số đối tượng. Tuy nhiên, ông Võ cho rằng, gốc của vấn đề ở công tác xét chọn đối tượng mua nhà ở xã hội. Ông đề xuất phải sửa đổi quy định của pháp luật về xét chọn đối tượng thụ hưởng chính nhà ở xã hội. Việc lựa chọn hồ sơ thuê, mua nhà ở xã hội có thể giao cho UBND tỉnh, hoặc một đơn vị phụ trách xã hội, độc lập quyền lợi với đơn vị, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

“Đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất. Bởi từ trước đến nay, việc lựa chọn đối tượng thuê mua nhà ở xã hội đều được giao cho chủ đầu tư. Theo tôi đó là kẽ hở hớ hênh nhất để lọt những hồ sơ, đối tượng không đúng thuê, mua nhà ở xã hội. Bởi các doanh nghiệp họ sẽ lựa chọn đối tượng sao cho có lợi với dự án của họ”, ông Võ nói.

Mất cơ hội của người yếu thế

Sắp tới, Hà Nội dự kiến triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội tại những khu vực có nhu cầu lớn. Điển hình như dự án Him Lam Phúc Lợi với hơn 3.000 căn hộ do Cty CP Him Lam Thủ đô làm chủ đầu tư; dự án Uy Nỗ (Đông Anh) với gần 500 căn hộ thuộc Tổng Cty 319 Bộ Quốc phòng; dự án tại Khu đô thị mới Kim Chung do liên danh Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cùng Tổng Cty Viglacera thực hiện, cung cấp 1.104 căn hộ.

Tính đến nay, trên 20 dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào Kế hoạch phát triển nhà ở của TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Dự kiến trong thời gian tới, toàn thành phố sẽ bổ sung khoảng 1.462.000 m2 diện tích sàn, tương đương gần 19.730 căn hộ nhà ở xã hội, chủ yếu tập trung giai đoạn sau năm 2025.

Tuy nhiên, nhiều người dù không thật sự có nhu cầu về chỗ ở nhưng vẫn nhờ người thân đứng tên hộ hồ sơ nhằm hợp thức hóa điều kiện đăng ký mua. Thậm chí, có những trường hợp không đủ điều kiện vẫn cố gắng làm thủ tục xác nhận, liên hệ cò mồi, môi giới để làm sai lệch hồ sơ, trục lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tại một dự án nhà ở xã hội sắp mở bán tại quận Long Biên (Hà Nội), chủ đầu tư cho biết rất đông người dân đã đăng ký làm hồ sơ. Tuy nhiên, sau khi rà soát, kiểm tra, chủ đầu tư phát hiện chỉ khoảng 20% người đăng ký hoàn tất được các thủ tục, xác nhận cần thiết và đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội. 80% còn lại chưa hiểu rõ quy định, chưa chuẩn bị hồ sơ đầy đủ hoặc không thực sự có nhu cầu mua nhà.

Phía chủ đầu tư nhận định, do giá thành của nhà ở xã hội rẻ hơn nhiều so với nhà ở thương mại, nên không loại trừ trường hợp một bộ phận dù không có nhu cầu ở nhưng vẫn tìm mọi cách để hợp thức hóa điều kiện đăng ký. Chủ đầu tư khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ luật pháp để chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, bảo đảm quyền mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, người dân nên liên hệ trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư, tránh qua môi giới trung gian gây rủi ro pháp lý và làm sai lệch chính sách hỗ trợ người khó khăn.

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng Phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, thành phố Hà Nội đang áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo đúng đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách nhằm trục lợi cá nhân. Các cấp từ huyện đến phường đều thành lập tổ giám sát, theo dõi kỹ lưỡng quá trình xét duyệt và bốc thăm để phát hiện kịp thời các vi phạm, trường hợp sai phạm sẽ bị thu hồi ngay lập tức.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội gần đây của Bộ Xây dựng, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cần bổ sung quy định giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.


Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/chong-truc-loi-nha-o-xa-hoi-a106058.html