Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động nhanh, Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới mang tính bền vững và đột phá. Ngày 24/2, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu và triển khai mô hình Cảng miễn thuế, coi đây là một trong những hướng đi chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, đồng thời đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics quy mô lớn của khu vực.
Chủ trương này cũng được thể hiện rõ trong Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có nhiệm vụ khai thác hiệu quả các động lực mới như phát triển khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) tại những địa phương kinh tế trọng điểm.
Tiếp nối tinh thần đó, sáng 13/5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35, đề xuất một loạt cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển thành phố Hải Phòng. Điểm nhấn là đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng – một mô hình được kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tài chính, thương mại và nghiên cứu – phát triển (R&D).
Cơ hội cho "kỷ nguyên vươn mình"
Chia sẻ với Người Đưa Tin, đại diện doanh nghiệp cảng top đầu cung cấp dịch vụ Logistics tại Việt Nam cho biết mô hình Cảng miễn thuế (free port) không đơn thuần là một bến cảng hay khu phi thuế quan truyền thống. Đây là một tổ hợp tích hợp giữa logistics - sản xuất - thương mại - tài chính, nơi hàng hóa được nhập khẩu, lưu kho, gia công, tái chế và tái xuất mà không phải chịu thuế quan thông thường.
Cảng miễn thuế là cụ thể hóa của mô hình khu thương mại tự do, nơi hàng hóa xuất - nhập khẩu, lưu kho, sản xuất hay gia công đều được hưởng ưu đãi thuế quan ở mức tối đa, kèm theo quy trình thủ tục tinh gọn. Nói cách khác, hàng hóa trong cảng miễn thuế được coi như chưa chính thức vào lãnh thổ thuế quan, giúp tối ưu hóa chi phí và dòng chảy hàng hóa.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình này với các cảng hiện hành ở Việt Nam chính là cơ chế quản lý và mức độ tích hợp. Nếu như hàng hóa vào cảng Việt Nam hiện vẫn phải qua nhiều tầng kiểm tra, chịu thuế phí phức tạp và thủ tục phân mảnh, thì trong mô hình cảng miễn thuế, quy trình được tinh gọn qua cơ chế "một cửa", số hóa hoàn toàn và giám sát thông minh.
Cảng miễn thuế là một tổ hợp tích hợp giữa logistics - sản xuất - thương mại - tài chính.
Các doanh nghiệp không chỉ trung chuyển hàng hóa mà còn có thể đóng gói, sản xuất, thậm chí vận hành kho thương mại điện tử ngay trong khu vực miễn thuế, giúp giảm chi phí và thời gian thông quan.
Nhìn nhận từ kinh nghiệm quốc tế, ông Trần Thoang - Giám đốc Strategies Việt Nam (thuộc Công ty Tư vấn chiến lược Hải quan - thương mại CT Strategies, Hoa Kỳ) cho biết Cảng miễn thuế là động lực tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Đây không chỉ là mô hình phát triển kinh tế mới, mà còn mang lại nhiều lợi thế so sánh và ưu việt vượt trội trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.
Theo đó, một quốc gia hay địa phương, không nhất thiết chỉ dừng lại ở một vài khu thương mại tự do hay cảng tự do. Nếu có chiến lược rõ ràng và thể chế phù hợp, hoàn toàn có thể phát triển đồng thời nhiều khu, nhiều cảng – tạo thành mạng lưới động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững.
"Với Việt Nam, mô hình cảng tự do đặc biệt phù hợp. Chúng ta sở hữu lợi thế địa lý hiếm có: đường bờ biển dài, hệ thống cảng biển nước sâu, và vị trí nằm ngay trung tâm tuyến hàng hải chiến lược nối liền châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – nơi chiếm hơn 50% lưu lượng hàng hóa và GDP toàn cầu", ông Trần Thoang nhận định.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, việc từng bước hình thành cảng tự do không chỉ là định hướng chiến lược, mà là nhu cầu tất yếu để Việt Nam vươn ra thế giới, nâng cao thu nhập quốc dân và hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong tương lai gần.
Với các Cảng miễn thuế, Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, mà còn có cơ hội định vị mình như một trung tâm thương mại, tài chính, đổi mới sáng tạo và logistics hiện đại quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Trần Thoang - Giám đốc Strategies Việt Nam (thuộc Công ty Tư vấn chiến lược Hải quan - thương mại CT Strategies, Hoa Kỳ)
Đặc biệt, khi có cảng tự do, thu nhập của địa phương và người dân khu vực đó sẽ được cải thiện đáng kể. Hàng hóa được tập kết về nhiều hơn, các nhà máy hoạt động mạnh mẽ hơn, từ đó tạo ra lợi nhuận, đóng góp ngân sách cho Nhà nước, đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Không chỉ bên trong khu thương mại tự do được hưởng lợi, mà các hoạt động bên ngoài như nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí cũng phát triển theo, tạo hiệu ứng lan tỏa.
"Đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện thành công chiến lược "kỷ nguyên vươn mình" như mục tiêu đã đặt ra", ông Thoang nhấn mạnh.
Theo đại diện phía doanh nghiệp, nếu được triển khai đúng cách, cảng miễn thuế sẽ mở ra dư địa phát triển lớn cho nhiều ngành mũi nhọn của Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến nhóm chế biến chế tạo, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác và thiết bị y tế - những ngành vốn phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, lắp ráp và tái xuất.
"Cảng miễn thuế giúp giảm chi phí đầu vào nhờ miễn thuế nhập khẩu linh kiện, đồng thời rút ngắn chu kỳ sản xuất - xuất khẩu", vị đại diện doanh nghiệp nhận định.
Ngành logistics và chuỗi cung ứng cũng được dự báo sẽ bước sang trang mới, khi mô hình này thúc đẩy hình thành các trung tâm gom hàng, xử lý đơn hàng quốc tế ngay tại Việt Nam.
"Chúng ta có thể học mô hình Jebel Ali (Dubai) - nơi cảng biển, khu tự do và trung tâm tài chính được vận hành trong cùng một hệ sinh thái hiện đại và tự chủ", chuyên gia cho hay.
Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới là lĩnh vực được đánh giá hưởng lợi mạnh. Các nền tảng lớn như Amazon, Alibaba, Shopee đang cần những trung tâm logistics tại châu Á để xử lý đơn hàng nhanh, giảm chi phí vận chuyển. Cảng miễn thuế giúp họ nhập hàng số lượng lớn, phân loại - đóng gói - vận chuyển trong ngày, hoàn toàn miễn thuế trong quá trình xử lý.
Ngoài ra, các ngành FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), thực phẩm chế biến, và ô tô – linh kiện cũng được dự báo sẽ tận dụng mô hình này để đẩy mạnh xuất khẩu nhờ cơ chế kho lạnh đạt chuẩn quốc tế, quy trình kiểm định tại chỗ và miễn thuế cho linh kiện nhập khẩu.
"Điểm nghẽn" không nằm ở hạ tầng
Dù tiềm năng lớn, nhưng theo đại diện doanh nghiệp cảng, rào cản lớn nhất hiện nay để Việt Nam vận hành mô hình này hiệu quả không phải là hạ tầng, mà là thể chế. Hiện chưa có một hành lang pháp lý chuyên biệt cho cảng miễn thuế theo chuẩn quốc tế. Các quy định liên quan đang phân tán trong Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, khiến địa phương lúng túng khi triển khai, còn doanh nghiệp e ngại rủi ro chính sách.
"Nếu không có luật chơi riêng, không trao quyền cho địa phương và không cập nhật tư duy quản lý theo hướng linh hoạt - công nghệ, mô hình cảng miễn thuế sẽ khó phát huy đúng tiềm năng", vị này nhấn mạnh.
Thực tế, các mô hình thành công như JAFZA (Dubai) hay Hải Nam (Trung Quốc) đều áp dụng cơ chế phân quyền mạnh, cho phép khu vực cảng tự cấp phép đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và quyết định các chính sách đặc thù mà không phải xin ý kiến từ trung ương từng bước.
Mô hình cảng miễn thuế đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài thể chế, Việt Nam cũng cần đầu tư mạnh vào số hóa hải quan, áp dụng truy xuất nguồn gốc, giám sát qua công nghệ để thay đổi tư duy quản lý, từ "kiểm tra thủ công để không sai" sang "thiết kế hệ thống để không thể sai".
Theo ông Trần Thoang, chính việc chưa có khung pháp lý về Cảng miễn thuế tại nước ra đã khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn từ Mỹ, EU (Liên minh châu Âu) và Nhật Bản, chưa thực sự an tâm khi cân nhắc đầu tư triển khai mô hình này tại Việt Nam.
"Chúng ta cần cú hích từ chính sách, hạ tầng và chuyên gia quốc tế. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng để hiện thực hóa tham vọng phát triển các mô hình Cảng miễn thuế, chính sách phải đi kèm với hạ tầng và niềm tin từ phía nhà đầu tư", Giám đốc Strategies Việt Nam nói.
Mô hình cảng miễn thuế đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi nước có cách tiếp cận riêng, tùy vào mục tiêu và hệ thống thể chế. Tuy nhiên, điểm chung ở các quốc gia thành công là: có cơ chế vận hành độc lập, hệ thống quản lý hiện đại, và chính sách ổn định lâu dài.
Thực tế, ông Thoang chỉ ra Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng và Khánh Hòa là những địa phương hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển mô hình cảng miễn thuế nhờ lợi thế cảng biển nước sâu, vị trí chiến lược và hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, cụm cảng Chu Lai - Quảng Nam cũng được đánh giá là một địa điểm đầy tiềm năng để phát triển mô hình Cảng miễn thuế.
Trong điều kiện thực tế, cách tiếp cận khả thi nhất là chọn 1-2 địa phương có tiềm năng mạnh, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng hoặc Quảng Ninh, để thí điểm cảng miễn thuế với mô hình chuẩn quốc tế. Vừa làm, vừa hoàn thiện chính sách, vừa xây dựng năng lực nhân sự.
Tại Đà Nẵng, sau hơn 2 năm thi công, diện mạo của Cảng biển Liên Chiểu – cảng biển lớn nhất khu vực có diện tích 450 héc ta đã được hình thành. Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành phần hạ tầng dùng chung và đưa vào khai thác ngay.
Thời gian qua, Trung ương đã đầu tư cho Tp.Đà Nẵng hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao kết nối với cảng biển, trong đó có 3.500 tỷ đồng xây dựng hạ tầng dùng chung thuộc dự án Cảng Liên Chiểu.
Nếu chủ trương Cảng miễn thuế được triển khai trên thực tế rất phù hợp với vị thế Đà Nẵng là trung tâm tài chính khu vực; đồng bộ với cơ chế chính sách đặc thù khu thương mại tự do, dựa trên nền tảng các Nghị quyết của Trung ương.
"Mô hình cảng miễn thuế là con đường mà nhiều quốc gia đã đi và thành công, nhưng không có "một bản sao chuẩn". Việt Nam cần chọn lọc những bài học phù hợp với điều kiện thể chế, năng lực quản lý và vị trí địa chính trị, đồng thời xây dựng mô hình theo hướng tự chủ, minh bạch, số hóa và chiến lược dài hạn", đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/cang-mien-thue-manh-ghep-chien-luoc-cho-su-chuyen-minh-cua-viet-nam-a105767.html