Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Liên quan đến Nghị quyết này, trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT) bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã làm rõ những điểm mới của nghị quyết này cũng như định hướng phát triển đối với khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Xóa bỏ tư duy "xin - cho"
NĐT: Xin ông đánh giá về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay trong nền kinh tế Việt Nam?
ĐB Hoàng Văn Cường: Kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Hiện nay, khu vực này chiếm trên 80% lực lượng lao động và chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều đó cho thấy đây tiềm năng phát triển rất lớn cần khai thác và huy động hiệu quả hơn nữa.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, của khoa học công nghệ, khu vực kinh tế tư nhân có ưu thế vượt trội nhờ sự linh hoạt, khả năng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng tiếp cận cái mới.
Đây sẽ là lực lượng tiên phong, đi đầu trong ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, Nghị quyết số 68 ra đời để huy động hết tiềm năng, lợi thế của kinh tế tư nhân để tạo ra sự phát triển vươn mình của đất nước.
ĐBQH Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Hoàng Bích).
NĐT: Từ Nghị quyết 10 năm 2017, Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, với Nghị quyết 68 lần này, vai trò đó được nâng lên một tầm mới. Vậy theo ông, Nghị quyết 68 có những điểm mới nổi bật nào? Và tại sao lại được kỳ vọng sẽ là cú hích quan trọng thúc đẩy khối kinh tế tư nhân phát triển?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Nghị quyết 68 không chỉ là động lực, mà là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, nghị quyết cũng khẳng định lấy kinh tế tư nhân trở thành lực lượng tiên phong cho quá trình đổi mới sáng tạo, tái cấu trúc nền kinh tế.
Nghị quyết này cũng khẳng định khu vực tư nhân là lực lượng nòng cốt trong xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
NĐT: Vậy để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 68, đâu là những hành động cụ thể mà chúng ta cần triển khai ngay?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Trước tiên, cần hoàn thiện khung pháp lý để tạo hành lang thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Nghị quyết đặt ra mục tiêu rất rõ không chỉ tăng số lượng doanh nghiệp, mà còn phải có doanh nghiệp lớn, có tầm cỡ quốc tế, những doanh nghiệp có khả năng quản trị toàn cầu và trở thành trụ cột của ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, Nghị quyết 68 cũng chỉ ra các giải pháp cần phải hành động, cần cải cách thể chế mạnh mẽ, xóa bỏ tư duy "xin - cho", chuyển từ cơ chế quản lý sang cơ chế kiến tạo phát triển. Ngoài ra, Nhà nước cần đóng vai trò tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Cơ quan quản lý cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt xem doanh nghiệp cần gì và đáp ứng, giải quyết những yêu cầu đó.
Kỳ vọng sẽ tạo ra những "con chim đầu đàn"
NĐT: Trong Nghị quyết 68 cũng đưa ra rất nhiều các cái giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ các hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về tiếp cận nguồn lực và khả năng cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Họ thường ở vị thế yếu hơn so với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn và chính sách hỗ trợ. Nhận thức rõ thực trạng này, Nghị quyết 68 đã xác định rõ cần có các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp này phát triển.
Ví dụ cụ thể, Nghị quyết yêu cầu các khu công nghiệp tại các địa phương phải dành ít nhất 30% quỹ đất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, tùy vào điều kiện từng địa phương, còn có thể có các hình thức hỗ trợ cụ thể hơn như quỹ bảo lãnh tín dụng, vốn vay ưu đãi, hay chính sách thuế phù hợp để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Động lực rất mạnh để cho doanh nghiệp, doanh nhân hăng hái tiến lên (Ảnh: Hữu Thắng).
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt vấn đề về cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý thuế. Hiện nay, nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển thành doanh nghiệp do lo ngại các thủ tục phức tạp và chi phí tăng cao như kê khai thuế, thuê kế toán và báo cáo định kỳ ngay cả khi không phát sinh doanh thu.
Điều này trở thành rào cản lớn, vì vậy, Nghị quyết yêu cầu loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi.
Một điểm quan trọng khác được đề cập trong Nghị quyết là về cơ chế pháp lý. Cụ thể, cần rà soát lại hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Việc đó, sẽ thúc đẩy các doanh nhân yên tâm, mạnh dạn dấn thân vào đầu tư kinh doanh, có thể thất thì vẫn có cơ hội làm lại, thay vì lo ngại các rủi ro pháp lý không cần thiết.
Đây là động lực rất mạnh để cho doanh nghiệp, doanh nhân hăng hái tiến lên. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân cũng nhìn thấy cơ hội, khung khổ pháp lý rất lớn mở ra cũng như kỳ vọng đặt ra thì bản thân doanh nghiệp cũng phải tự mình vươn lên.
Ngoài sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần chuyển mình mạnh mẽ, phát triển theo hướng chiến lược dài hạn, bền vững, tránh kiểu đầu tư chộp giật, lợi dụng vào kẽ hở pháp luật.
Một hướng đi quan trọng là liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp để tạo sức mạnh tập thể. Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân chính là điểm yếu cần khắc phục. Khi các doanh nghiệp biết kết nối và hỗ trợ nhau, sẽ hình thành được những cụm doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, từ đó lan tỏa sức mạnh ra toàn nền kinh tế.
Chúng ta kỳ vọng sẽ tạo ra những "con chim đầu đàn", từ con chim đầu đàn đó sẽ kéo được các doanh nghiệp khác đi theo và sẽ tạo ra liên kết các doanh nghiệp tư nhân và tạo ra sức mạnh tổng thể.
Ưu tiên biện pháp xử lý về kinh tế sẽ mang lại lợi ích lớn hơn
NĐT: Nghị quyết lần này nêu quan điểm đổi mới trong xử lý sai phạm, ưu tiên áp dụng xử lý hành chính, dân sự và kinh tế thay vì hình sự, điều này tạo điều kiện như thế nào cho doanh nghiệp?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Sứ mệnh của doanh nhân là làm ra tiền, do đó họ sẽ tìm mọi phương thức để thực hiện sứ mệnh này. Đương nhiên, trong hành động như vậy sẽ có rủi ro, lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn, có thể là rủi ro về kinh tế hoặc pháp lý.
Vì vậy, khi vướng phải sai phạm, phải nhìn vào động cơ của doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu chỉ đơn thuần muốn tạo ra tiềm lực kinh tế, không vi phạm các quy định của pháp luật, không đi ngược với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước thì ưu tiên giải quyết sai phạm của họ bằng công cụ kinh tế để họ khắc phục lại hậu quả.
Áp dụng biện pháp kinh tế trong trường hợp này có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục thiệt hại.
Áp dụng biện pháp kinh tế có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục thiệt hại (Ảnh: Hữu Thắng).
Nghị quyết 68 nêu rõ trong trường hợp quy định của pháp luật có thể hiểu theo hướng xử lý hình sự cũng được, hoặc không xử lý hình sự cũng được, Nghị quyết yêu cầu cương quyết không xử lý hình sự.
Trường hợp đã đến mức phải xử lý hình sự vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả trước và lấy kết quả khắc phục đó làm cơ sở để xem xét, giải quyết các bước tiếp theo.
Tư tưởng ưu tiên dùng biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế thay thế hình sự mà Bộ Chính trị đề ra là có cơ sở, không phải nương nhẹ cho khu vực tư nhân. Những gì nằm trong ranh giới thì chúng ta phải lựa chọn con đường nào tốt hơn.
Nếu xử lý hình sự thì người đó phải chịu tội và hết cơ hội để làm lại, sẽ không có cơ hội, điều kiện bù đắp thiệt hại về kinh tế. Vì bản chất của doanh nhân, doanh nghiệp là tạo ra nguồn lực kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, tiền họ tạo ra góp phần tạo ra sản phẩm cho xã hội.
Trong khi đó, nếu ưu tiên biện pháp xử lý về kinh tế, sẽ mang lại lợi ích hơn nhiều cho nền kinh tế và cho xã hội.
NĐT: Trong việc xử lý vi phạm, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu phải bóc tách trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về nội dung này sẽ "cởi trói" những bất cập khi xử lý một cá nhân vi phạm, vận hành của doanh nghiệp có thể bị đình trệ?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Pháp luật hiện nay không đánh đồng trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân doanh nghiệp. Xử lý cá nhân sai phạm không có nghĩa bắt doanh nghiệp phải đóng cửa.
Tuy nhiên, thực tế có những yếu tố quan hệ với nhau, ví dụ quyết định của cá nhân đó ảnh hưởng tới hoạt động chung của doanh nghiệp, quyền của cá nhân đó bị ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Nếu không xử lý kịp thời, không bóc tách trách nhiệm được sẽ dẫn tới xử lý cá nhân, đồng thời xử lý cả quan hệ của doanh nghiệp.
Nghị quyết 68 cũng yêu cầu khi xử lý những quan hệ của cá nhân thì những quyền, quan hệ của họ trong hoạt động của doanh nghiệp cần bóc tách ra, để không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Một tác động lớn hơn là về tâm lý xã hội. Chính vì khi xử lý người có trách nhiệm tại doanh nghiệp, dư luận thường nhìn nhận doanh nghiệp có vấn đề, doanh nghiệp sẽ bị thanh tra, kiểm tra…. Chính điều này tạo ra tình trạng khủng hoảng cho doanh nghiệp. Do đó, cần phân định rõ 2 yếu tố đó.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/uu-tien-xu-ly-kinh-te-thay-vi-hinh-su-khong-phai-la-nuong-nhe-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-a104609.html