Hồi sinh những dòng kênh

Việc cải tạo, tái sinh các dòng kênh là một điểm sáng trong quá trình phát triển đô thị của TP HCM kể từ ngày giải phóng.

50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, TP HCM đã trở thành đô thị lớn nhất và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong hành trình phát triển ấy, hạ tầng giao thông giữ vai trò hết sức quan trọng và được đầu tư bài bản, trong đó việc hồi sinh các dòng kênh là một trong những công trình mang ý nghĩa đặc biệt.

Hành trình lột xác

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng là một trong những dòng kênh ô nhiễm nhất thành phố, với những dãy nhà ổ chuột chen chúc, rác thải chất thành đống, dòng nước đen ngòm, hôi thối. Thế nhưng, hiện nay, kênh đã trở thành biểu tượng tiêu biểu cho quá trình phát triển đô thị, mang lại sức sống mới cho thành phố.

Dài gần 10 km, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Năm 1993, TP HCM quyết tâm thực hiện cải tạo dòng kênh này bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Hơn 7.000 hộ dân sống dọc hai bên bờ kênh đã được giải tỏa, nhường chỗ cho hệ thống đường ven kênh và cảnh quan đô thị.

Sau khi được Chính phủ chấp thuận, dự án được đổi tên thành "Dự án Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 1" và được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trong niên khóa 2000 - 2001. Dự án xây dựng tuyến cống bao dài 9 km, 59 điểm tách dòng, một trạm bơm công suất lớn cùng hệ thống điều khiển hiện đại. 

Đồng thời, hoàn thành 18 km bờ kè, nạo vét 1,1 triệu m³ bùn và cải tạo hệ thống cống thoát nước. Đến tháng 8-2012, giai đoạn 1 của dự án được đưa vào sử dụng sau gần 10 năm thi công, mang lại niềm vui lớn cho người dân thành phố. Đây là công trình được đánh giá cao nhất trong hàng loạt dự án quy hoạch kênh rạch tại TP HCM thời gian qua.

Hồi sinh những dòng kênh- Ảnh 1.

Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị TP HCM, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Đoàn Văn Đạt (68 tuổi, ngụ phường Tân Định, quận 1) - người chứng kiến quá trình lột xác của con kênh - kể: "Ngày xưa, dòng kênh đen kịt, mùi hôi thối xông lên nồng nặc luôn là nỗi ám ảnh của người dân sống quanh đây. Từ khi kè kênh được hoàn thiện và nước được xử lý, người dân như được hồi sinh sau hàng chục năm sống chung với ô nhiễm". 

Đều đặn ngày hai buổi, ông Đạt và nhóm bạn già ra bờ kênh tập thể dục, tản bộ hóng mát. "Hồi đó không ai nghĩ con kênh này sẽ có diện mạo như hôm nay. Nhớ lại vẫn ám ảnh mùi hôi tanh ngày trước. Còn giờ thì xanh mát, hoa cỏ được chăm sóc, dòng nước trong, cá bơi lội đầy sức sống" - ông Đạt chia sẻ.

Bà Lê Thị Viện (đường Trường Sa, phường 2, quận Phú Nhuận) cũng cho biết từ ngày kênh được cải tạo, đường hai bên kênh thông thoáng, đời sống gia đình bà như sang trang mới. "Hồi đó không gian sống bí bách lắm, các con tôi còn tính chuyển đi nơi khác. Giờ thì rợp bóng cây xanh, xe cộ tấp nập, buôn bán thuận lợi hơn nhiều" - bà Viện bộc bạch.

Nhiều chuyên gia đánh giá dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là kỳ tích đáng tự hào, là hình mẫu tiêu biểu trong nâng cấp, cải tạo đô thị thời kỳ đổi mới. Tạo tiền đề cho hàng loạt dự án cải tạo kênh rạch về sau.

Hạnh phúc vô bờ

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm từng là một trong những điểm đen ô nhiễm của TP HCM, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1,2 triệu người dân. Chảy qua 4 quận: 6, 11, Tân Bình và Tân Phú, dài 6,8 km, kênh từng gắn liền với hình ảnh nhếch nhác, đầy rác rưởi, gây không ít khổ sở cho cư dân.

Tháng 4-2015, dự án cải tạo, nâng cấp kênh chính thức được khánh thành. Dòng nước đen đã biến thành dòng nước xanh, môi trường được cải thiện đáng kể, đời sống người dân nâng cao rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Thiện (phường 12, quận 6) nhớ lại: "Ngày xưa, nhà cửa ven kênh lụp xụp, đường sá đầy ổ gà, mỗi khi triều cường là nước đen tràn vào nhà. Ăn cơm cũng phải đóng cửa". Giờ đây, lòng kênh được ngầm hóa bằng cống hộp, mặt đường rộng rãi, khu vực sạch sẽ, khang trang.

Theo ông Thiện, điểm đặc biệt của dự án là những cây cầu "2 trong 1": vừa phục vụ người đi bộ vừa có làn riêng cho xe máy, xe đạp - giúp việc di chuyển qua hai bờ kênh dễ dàng hơn. "Đường sá thông thoáng, buôn bán nhộn nhịp. Đây là dự án giúp giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, chống ngập hiệu quả. Giờ mở cửa ra đã thấy cây xanh rì rào, nước trong mát" - ông Thiện phấn khởi.

Từ "điểm đen" ô nhiễm đến diện mạo hiện đại

Năm 2024 đánh dấu cột mốc khi dự án cải thiện môi trường nước TP HCM - giai đoạn 2 (kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ) hoàn thành. Trong đó, gói thầu F2 về nạo vét, kè bờ kênh Tàu Hủ - Lò Gốm đã hiện thực hóa giấc mơ về một môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho người dân quận 8.

Trước đây, các tuyến kênh ngang số 1, 2, 3 thuộc phường 13, 14, 15, 16 thường xuyên ngập úng khi mưa lớn hoặc triều cường, gây đảo lộn sinh hoạt của người dân. TP HCM đã triển khai hàng loạt hạng mục: xây dựng 10 km bờ kè, lắp đặt lan can, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh và nạo vét lòng kênh. 

Bà Lê Thị Bảy (phường 15, quận 8) chia sẻ: "Trước đây, nhà tôi cứ mưa lớn là ngập. Nay nhờ bờ kè hoàn thành, tình trạng ngập úng đã giảm hẳn. Con đường Bến Bình Đông - Mễ Cốc giờ là nơi lý tưởng để tản bộ hay tập thể dục". 

Ông Lý An Hòa (phường 16, quận 8) nói: "Trước đây, đường Phú Định bị ngập nặng. Giờ thì đường nhựa phẳng lì, bờ kè sạch đẹp, chiều nào tôi cũng ra đây hóng mát". Trong khi đó, gia đình anh Lê Thanh Quân (phường 16) từng lo vì cửa hàng thường xuyên bị ảnh hưởng do ngập. Nay, khu vực không còn ngập, đường sá thông thoáng, buôn bán thuận lợi hơn.

Hồi sinh những dòng kênh- Ảnh 2.

Giảm ngập giúp công tác dạy và học tại Trường THCS Bình Đông (Phú Định, phường 16, quận 8) tốt hơn, đây còn là điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ trên địa bàn. Ảnh: THANH NGA

Với việc hoàn thành dự án kênh Tàu Hủ, quận 8 đang từng bước thoát khỏi hình ảnh "vùng trũng" ngập nước. Công trình không chỉ góp phần giải quyết bài toán chống ngập của TP HCM mà còn nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực. 

Gần 45.000 tỉ đồng cho 4 dự án trọng điểm

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, trong năm 2025, thành phố sẽ ưu tiên triển khai 4 dự án trọng điểm gồm: Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; Dự án vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2; Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm; Dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi. Tổng kinh phí đầu tư 4 dự án gần 45.000 tỉ đồng.

Cải thiện môi trường sống

Bà Đinh Thị Nho - Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận 8, TP HCM - cho biết kể từ khi dự án ngăn triều chống ngập hoàn thiện, cuộc sống của người dân trên địa bàn đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chỉ hơn 10 năm trước, nghe đến tên phường này là mọi người nghĩ ngay đến "rốn ngập". Trục đường Bến Bình Đông - Mễ Cốc vào những ngày triều cường lên cao, nước có đoạn ngập đến yên xe, việc di chuyển rất khó khăn, nhiều người đi làm xa phải ở lại công ty. Không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng gặp khó, các nhà máy chật vật bảo vệ hàng hóa, máy móc khi nước lên, một số cơ sở kinh doanh phải chuyển đi nơi khác, hoạt động cho thuê nhà ở, nhà trọ lại càng khó vì người nơi khác e ngại đến đây thuê, mua nhà. Sau khi dự án ngăn triều chống ngập thi công, tình trạng này gần như không còn, sinh hoạt thường ngày của người dân không còn bị phụ thuộc bởi triều cường, kể cả vào mùa mưa. Đường sá cũng được sửa chữa, nâng cấp, bờ bao kiên cố, vỉa hè thoáng rộng, gần một năm nay, các mảng xanh được hình thành cũng góp phần giúp môi trường sống cải thiện hơn. "Những năm sắp tới, dự án cầu đường Bình Tiên khu vực qua kênh Tàu Hủ, quận 8 triển khai. Bà con rất mong chờ dự án này nhằm giúp kết nối giao thông từ phường đến các địa phương khác càng thêm thuận lợi và có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế" - bà Nho bày tỏ.


Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/hoi-sinh-nhung-dong-kenh-a103306.html