Tại eWorks ở Freeport, New York, Mỹ, những đống tivi phủ bụi, máy tính cá nhân, máy in và các thiết bị công nghệ cũ khác là khởi đầu cho một cuộc săn tìm "kho báu" điện tử: Vàng.
"Sẽ có giá trị ở đó", CEO của eWorks, Mark Wilkins, nói với CBS News. "Có thể đó là một giá trị nhỏ, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là thực hiện đầy đủ một quá trình nhằm đánh giá từng thành phần đó".
Đầu tiên, nhóm của ông Wilkins kiểm tra xem các thiết bị điện tử có còn hoạt động không. Nếu không, chúng sẽ được tháo rời, vì bất kỳ thứ gì có chip đều có thể chứa vàng, và nhiều thứ quý giá đến không ngờ.
Ông Alireza Abbaspourrad, phó giáo sư về hóa học thực phẩm và công nghệ thành phần tại Đại học Cornell, ở Ithaca, New York, cho biết có nhiều vàng trong một tấn rác thải điện tử hơn là trong một tấn quặng khai thác từ Trái đất.
Khoảng 1 triệu chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng có thể tạo ra "khoảng 70-85 pound vàng", ông Abbaspourrad giải thích.
Nhưng cho đến nay, quy trình này đòi hỏi phải sử dụng các hóa chất độc hại như cyanide (xyanua) để lọc nó ra.
Ảnh minh hoạ: Sci Tech Daily
Vì vậy, ông Abbaspourrad và nhóm của mình tại Đại học Cornell đã phát triển một phương pháp "đãi vàng" mà họ cho là hiệu quả hơn và ít gây rủi ro cho môi trường hơn. Quy trình này sử dụng một hợp chất hữu cơ để hấp thụ các ion vàng như một miếng bọt biển.
"Miếng bọt biển của chúng tôi chỉ nhắm mục tiêu có chọn lọc vào vàng và đó là một sự khác biệt lớn", ông Abbaspourrad cho biết.
Sau đó, vàng có thể được tái sử dụng trong các tấm pin năng lượng mặt trời, thiết bị điện tử mới và thậm chí có thể là làm đồ trang sức. Việc thu hồi vàng dễ dàng và rẻ hơn có thể thúc đẩy động lực tài chính để tái chế an toàn và giữ kim loại độc hại không bị chôn lấp.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố năm ngoái cho thấy, vào năm 2022, thế giới đã tạo ra 62 triệu tấn rác thải điện tử, bao gồm các mặt hàng như điện thoại di động lỗi thời và máy tính xách tay. Con số này đánh dấu mức tăng 82% so với chỉ một thập kỷ trước. Nhưng chỉ 1/4 trong số đó được tái chế an toàn.
Và theo Đại học Cornell, rác thải điện tử toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 80 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
"Tôi cho rằng thế giới hiện nay đã nhận thức rõ hơn về vấn đề này", ông Wilkins cho biết.
Ông Wilkins và eWorks coi thứ con người vứt bỏ ngày càng nhiều này là một cơ hội. Được thành lập cách đây hơn một thập kỷ, công ty đã tạo ra hàng chục công việc cho những người khuyết tật. Tại đây, họ học cách sử dụng, phân loại và tháo rời các món đồ công nghệ cũ.
"Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp đào tạo, giáo dục và việc làm cho những người khuyết tật", ông Wilkins cho biết. "Vì vậy, khoảng 48% lực lượng lao động của chúng tôi là những người đặc biệt".
Đây là cơ hội để giúp đỡ nhiều người hơn và hành tinh này, và điều đó có thể thực hiện được bằng cách khai thác "mỏ vàng" tiềm năng từ thứ không ngờ.
Minh Đức (Theo CBS News, WTAJ)
Link nội dung: https://thegioitiepthivietnam.com/khai-thac-mo-vang-tiem-nang-tu-thu-khong-ngo-a103106.html