Bộ Giáo Dục và Đào Tạo vừa ra Quyết định 1007/QD-BGDĐT về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tiếng Anh IELTS.
Bộ phê duyệt hợp tác giữa 2 bên gồm Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) có trụ sở tại TP. HCM và Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) có trụ sở tại Hà Nội là "bên Việt Nam".
"Bên nước ngoài" của hợp tác này là IELTS Australia Pty Limited (Australia), có trụ sở tại bang Victoria, Australia.
Quyết định này cho biết địa điểm tổ chức thi là tầng 1, tầng 2, tòa nhà EFL, Đại học Kinh tế Quốc dân, số 207 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với 4 phòng thi.

Hình thức thi sẽ hoàn toàn là thi trên máy tính. Chứng chỉ được cấp là IELTS Test Report Form.
Đề thi, quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi; cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi; đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của các bên khi tham gia tổ chức thi thực hiện theo quy định của IELTS Australia Pty Limited và pháp luật của Việt Nam.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký (16/4/2025). Thời hạn hoạt động liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tiếng Anh IELTS giữa Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam), Đại học Kinh tế Quốc dân và IELTS Australia Pty Limited có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/11/2027.
Trong báo cáo tài chính cho nửa đầu năm tài khóa 2025 (tháng 7-12/2024), IDP cho biết doanh thu từ dịch vụ thi tiếng Anh toàn cầu giảm 22% so với cùng kỳ còn 209,5 triệu đô la Úc, vì số lượng bài thi giảm 24% còn lệ phí thi trung bình tăng 2%. Kết quả này dẫn tới lợi nhuận gộp (gross profit) là 85,8 triệu đô la Úc, giảm 31,3%.
IELTS là bài thi tiếng Anh chuẩn hóa phổ biến cho những người không nói tiếng Anh bản xứ, kiểm tra bốn kỹ năng Nghe, Đọc, Viết, Nói của thí sinh trên thang điểm 9. Tại Việt Nam, kỳ thi do Hội đồng Anh và IDP đồng tổ chức.
Đầu tháng 11/ 2022, có sự cố lớn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hoãn thi IELTS vì việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát... ) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ...
Sau đó, cũng trong tháng 11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép "lại" các đơn vị Việt Nam phối hợp liên kết với công ty IELTS Australia Pty Ltd tại Australia để tổ chức thi, cấp chứng chỉ IELTS.
Hiện, hơn 12.500 trường học, tổ chức trên thế giới sử dụng kết quả bài thi này với mục đích du học, định cư hay xin việc làm.
Theo dữ liệu về bài thi IELTS toàn cầu năm 2023 - 2024 được tổng hợp vào cuối tháng 9/2024, công bố trên trang chủ IELTS, điểm trung bình IELTS của người Việt là 6.2/9.0 với bài thi Academic (học thuật), xếp thứ 29/39. Trong khi năm 2022, Việt Nam đứng thứ 23 trong tổng số 40 nước tham gia xếp hạng.
Xu hướng sử dụng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển đại học xuất hiện từ năm 2017 và ngày càng trở nên phổ biến. Những năm gần đây, khoảng 100 trường đại học từ khối kinh tế, kỹ thuật, y dược đến công an, quân đội đều áp dụng hình thức xét tuyển này.
Cũng theo quy chế tuyển sinh đại học Bộ GD&ĐT, các trường được quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn này để đưa vào tổ hợp xét tuyển, nhưng trọng số không quá 50%.