Những thầy giáo quân hàm xanh trên tuyến biên giới

Với phương châm đọc được, viết được là “chìa khóa” tiếp cận tri thức, xóa đói, giảm nghèo, lực lượng Đồn Biên phòng Ia Lốp đã mở nhiều lớp xóa mù chữ cho bà con vùng biên.

 "Chìa khóa" xóa đói, giảm nghèo

Thông tin với Người Đưa Tin, lãnh đạo Đồn Biên phòng Ia Lốp (tỉnh Gia Lai) cho biết, làng Khôn được thành lập từ những năm 2000, khi một số hộ dân tộc thiểu số người Jrai từ làng Ia Piơ 1 (xã Ia Piơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) di cư tự do vào sinh sống, làm nương rẫy và chăn nuôi gia súc. Những người này sinh sống trên địa bàn xã Ia Mơ nhưng lại thuộc quản lý của xã Ia Piơ.

Để thuận tiện trong công tác quản lý dân cư, đảm bảo an ninh chính trị và giúp người dân được hưởng các chế độ, tháng 12/2023, HĐND tỉnh Gia Lai đã quyết định thành lập làng Khôn, trực thuộc xã Ia Mơ.

Hiện nay, làng Khôn có 101 hộ với 557 khẩu, sinh sống chủ yếu là người dân tộc Jrai (88 hộ, 507 khẩu, chiếm hơn 91%). Trong đó, có 19 hộ nghèo (108 khẩu) và 9 hộ cận nghèo (52 khẩu).

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại đây còn thiếu thốn, đặc biệt là các công trình như đường, trường học và trạm y tế. Trẻ em trong độ tuổi đi học phải ra trung tâm xã Ia Piơr để học, trình độ dân trí thấp, tỉ lệ mù chữ và tái mù tương đối cao và phong tục tập quán còn lạc hậu.

Những thầy giáo quân hàm xanh trên tuyến biên giới- Ảnh 1.

Lớp học xóa mù chữ trên tuyến biên giới Đồn Biên phòng Ia Lốp.

Với phương châm "đọc được, viết được" là "chìa khóa" giúp người dân vùng biên tiếp cận tri thức, xoá đói giảm nghèo, Đồn Biên phòng Ia Lốp đã tổ chức nhiều lớp xoá mù chữ cho bà con vùng biên.

Đại úy Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Lốp cho biết, qua khảo sát, đồn phát hiện có 71 người dân tộc Jrai tại làng Khôn đang bị mù chữ và tái mù chữ (44 nữ, 27 nam), chiếm 12% dân số. 

Trong số đó, 45 người đã bày tỏ mong muốn tham gia lớp học xoá mù chữ do cán bộ đồn tổ chức. Vì vậy, Ban Chỉ huy Đồn quyết định mở lớp dạy theo từng đợt, mỗi đợt gồm 15 học viên.

Theo Đại úy Luân, lớp học được khai giảng từ ngày 24/4/2023, dạy môn Toán và Tiếng Việt. Tài liệu học sử dụng theo chương trình xoá mù chữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Sau ba đợt học, lớp đã duy trì 144 buổi học (432 tiết, mỗi tiết 35 phút) và hoàn thành việc xoá mù chữ cho 45 người dân.

Những thầy giáo quân hàm xanh trên tuyến biên giới- Ảnh 2.

Thầy giáo mang quân hàm xanh, ngoài nhiệm vụ cầm súng bảo vệ biên cương, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên cũng là một nhiệm vụ quan trọng.

Đại úy Luân tự hào chia sẻ: "Trong các đợt giảng dạy, người dân tham gia học tập rất tích cực, luôn chú ý lắng nghe, phát biểu, thảo luận và ôn luyện bài cũ. Về môn Tiếng Việt, học viên đã nắm được các kỹ năng cơ bản như đọc, viết, nói, nghe, có thể đọc trôi chảy, hiểu nội dung, viết đúng chính tả và ngữ pháp, phát biểu rõ ràng, nghe hiểu người nói.

Về môn Toán, học viên đã có thể thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia cơ bản. Trong quá trình giảng dạy, cán bộ đã sử dụng các hình ảnh trực quan sinh động, bảng chữ cái, thiết bị nghe nhìn, kết hợp ví dụ minh họa từ thực tế để giúp học viên dễ dàng tiếp thu bài học".

Gắn kết tình quân dân

Trung tá, quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Hoàng chia sẻ: "Giữa núi rừng vắng vẻ, trong những buổi tối se lạnh, ánh đèn điện chiếu sáng từng trang vở. Tôi, một người lính với quân hàm xanh, đã quen với việc cầm súng bảo vệ biên cương, nay lại cầm phấn, đứng lớp dạy chữ cho bà con. 

Những ngày đầu thật khó khăn khi nhìn những đôi tay chai sần, run rẩy cầm bút, ánh mắt ngỡ ngàng của các cụ già và những em nhỏ chưa từng biết con chữ. Nhưng rồi, từng chữ cái dần hiện lên, từng dòng chữ được viết ra, tôi cảm nhận rõ niềm vui và sự thay đổi trong ánh mắt họ.

Đối với tôi, mỗi con chữ không chỉ là kiến thức mà còn là hy vọng, là sự kết nối giữa người lính và bà con vùng biên, cùng nhau xây dựng một cuộc sống ấm no và bền vững hơn".

Những thầy giáo quân hàm xanh trên tuyến biên giới- Ảnh 3.

Nhờ lớp học mà nhiều người dân đã biết đọc, biết viết.

Vừa trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả trên rẫy, chị H Then vội vã thay quần áo, ăn vội bát cơm rồi soạn sách vở để kịp lên lớp. Trong phòng học đơn sơ, chị ngượng ngùng đánh vần từng chữ, thấy PV chị có chút lúng túng. 

Được sự động viên của thầy giáo, chị dần mở lòng: "Ngày đầu tiên bước vào lớp học, tôi cảm thấy rất ngại. Nghĩ bụng mình đã lớn tuổi rồi, học làm gì nữa, tay chân quen cầm cuốc, cầm dao, giờ cầm bút cứ lóng ngóng. Nhưng rồi, được các chú bộ đội động viên, tôi quyết định thử ngồi xuống với cuốn vở trắng. Không ngờ, những nét chữ nguệch ngoạc ban đầu dần dần thành hình. 

Tôi học được cách viết tên mình, đọc được dòng chữ trên bảng, lòng thấy vui lạ. Có chữ rồi, tôi không còn phải nhờ người khác đọc thư con gửi từ xa, cũng không còn sợ bị lừa khi ký giấy tờ. Học chữ, tôi mới hiểu rằng, biết đọc, biết viết là biết làm chủ cuộc đời mình. Dù muộn màng, nhưng tôi thấy mình vẫn còn cơ hội thay đổi".

Công nhận Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ“GIEO CHỮ” CHO NHỮNG MẦM XANH TRONG ĐẠI NGÀN: Xóa mù chữ cho phụ huynh để noi gương cho con trẻCâu chuyện cảm động ở lớp xóa mù chữ cho trẻ em nghèo của chàng hướng dẫn viên du lịch

Ông Lê Phú Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) cho biết, lớp học xóa mù chữ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao tỉ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60, tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao dân trí. 

Đặc biệt, công tác xóa mù chữ còn có sự tham gia tích cực của lực lượng biên phòng Gia Lai. Tại cụm dân cư Suối Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông), nơi có 70 người mù chữ, Đồn Biên phòng Ia Lốp đã tổ chức thành công 2 lớp học từ giữa năm 2023 đến nay.