Sau giai đoạn khó khăn chồng chất vì đại dịch Covid-19, Tổng công ty hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã HVN) đã chính thức thoát lỗ trong năm 2024.
Theo đó, HVN mang về 106.753 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm 2023; lãi sau thuế 7.267 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 5.632 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất Vietnam Airlines ghi nhận kể từ khi niêm yết, đồng thời chấm dứt chuỗi 4 năm thua lỗ liên tiếp.
Dù vậy, Vietnam Airlines vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế 34.307 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng, do đó vốn chủ sở hữu âm 10.045 tỷ đồng.
Để giải quyết vấn đề này, Vietnam Airlines đã được Quốc hội chấp thuận phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng, thực hiện theo hai giai đoạn.
Cũng nằm trong nhóm các doanh nghiệp có vốn Nhà nước báo lãi lớn, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã ACV) đạt doanh thu thuần 22.555 tỷ đồng, lãi ròng 11.563 tỷ đồng; tăng lần lượt 13% và 37% so với năm 2023. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của ACV kể từ khi hoạt động.
Trong nhóm doanh nghiệp tư nhân, "ông lớn" công nghệ Tập đoàn FPT (mã FPT) tiếp tục ăn nên làm ra khi đạt tổng doanh thu 62.849 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 11.071 tỷ đồng trong năm 2024, tăng lần lượt hơn 19% và 20% so với năm 2023.
Lãi ròng của FPT đạt 7.849 tỷ đồng, tăng 21%. Đây cũng là mức lãi ròng cao nhất FPT đạt được và là năm thứ 6 liên tiếp lập kỷ lục lợi nhuận.
Cũng thuộc "họ" FPT là CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom, mã FOX) ghi nhận doanh thu thuần đạt 17.610 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.861 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 11% và 18% so với năm 2023. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi hoạt động.
Năm 2024 giá vàng thế giới và trong nước liên tục phá đỉnh, do đó, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) mang về tổng doanh thu 37.823 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023.
Cùng chiều doanh thu, lợi nhuận sau thuế của PNJ đạt 2.115 tỷ đồng, tăng hơn 7%. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Tập đoàn Gelex (mã GEX) ghi nhận doanh thu thuần đạt 33.759 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2023. Trong đó, lĩnh vực thiết bị điện ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh nhất (31%) lên 20.712 tỷ đồng, bù đắp cho nguồn thu từ sản phẩm vật liệu xây dựng, và cho thuê bất động sản công nghiệp suy giảm.
Lãi sau thuế của công ty đạt 2.667 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ, đồng thời phá kỷ lục 1.666 tỷ đồng đạt được vào năm 2021 - năm Gelex hợp nhất kết quả kinh doanh với Tổng Công ty Viglacera.
"Đại gia" khu công nghiệp Tổng Công ty Idico – CTCP(mã: IDC) cũng đạt mức lợi nhuận kỷ lục gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Bất chấp quý IV/2024 "đi lùi", nhưng tính chung cả năm 2024 doanh thu thuần của IDC ghi nhận 8.846 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Trong đó, nguồn thu chủ lực đến từ việc kinh doanh điện gần 3,373 tỷ đồng, tăng 15% và doanh thu cho thuê lại đất – hạ tầng tại các khu công nghiệp ghi nhận một lần gần 3,140 tỷ đồng, tăng 22%.
Lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 đạt 2.993 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 1.996 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 43% so với năm trước. So với kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 8,466 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 2.500 tỷ đồng, IDC đã vượt kế hoạch lần lượt 7% và 20%.
Tập đoàn PAN (PAN Group, mã PAN) đạt 16.184 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 23% so với 2023 và vượt 9% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần đầu vượt mốc nghìn tỷ đồng với 1.148 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà PAN đạt được trong lịch sử hoạt đồng và là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục lợi nhuận.
Theo giải trình của PAN, lợi nhuận năm 2024 tăng trưởng cao hơn so với doanh thu khi các yếu tố kinh doanh đầu vào (vận tải, nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi..) giảm nhiệt so với 2023, đồng thời trong năm các công ty thành viên tận dụng được nhiều thời điểm để tích trữ, thu mua được nguyên vật liệu giá thấp, từ đó cải thiện tốt biên lợi nhuận.
CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS) ghi nhận doanh thu đạt 10.243 tỷ đồng, gần như "đi ngang" so với năm 2023 nhưng lãi ròng tăng gần 9%, đạt 2.377 tỷ đồng. Đây đều là con số doanh thu và lợi nhuận cao nhất của chủ thương hiệu sữa Fami từ trước đến nay.
Hay CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) đạt doanh thu thuần hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế hơn 1.278 tỷ đồng, tăng 27% - cao nhất trong lịch sử niêm yết. Trong đó, nguồn thu chính đến từ mảng cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước khu công nghiệp với hơn 6.547 tỷ đồng, tăng 15%.