Năm 2025, thời khắc chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam

Với nền tảng tốt từ năm 2024, guồng máy của nền kinh tế đã hối hả vận hành để chuẩn bị cho năm 2025 với nhiều cơ hội, song cũng dự báo đầy thách thức.

"Ngôi sao tăng trưởng"

Trong báo cáo mới công bố, đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam 2024, ngân hàng HSBC Việt Nam đã sử dụng cụm từ "ngôi sao tăng trưởng".

Theo HSBC Việt Nam, sau khởi đầu khó khăn trong quý I, bức tranh kinh tế Việt Nam đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một "ngôi sao tăng trưởng" trong khối ASEAN. Tăng trưởng GDP Việt Nam tăng lên lần lượt 6,9% trong quý II và 7,4% trong quý III/2024 so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2025, thời khắc chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam- Ảnh 1.

Tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 được HSBC nhận định là phục hồi vững chắc qua từng tháng (Ảnh: Hữu Thắng).

Đà tăng tốc của tiến trình hồi phục kinh tế trong nửa sau của năm nay tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất, với mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

"Điều đáng khích lệ là sự phục hồi thương mại ban đầu tập trung vào điện tử đang cho thấy dấu hiệu mở rộng, với xuất khẩu hàng dệt may và giày dép tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý III/2024", HSBC nhận định.

Tiếp đà tăng trưởng trong quý III, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 lên 7% so với mức 6,5% trong báo cáo trước đó.

Năm 2025, thời khắc chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam- Ảnh 2.

Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2024 đạt mức kỷ lục với gần 800 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp (Ảnh: Phạm Tùng).

Số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2024 đạt mức cao chưa từng có gần 800 tỷ USD. Con số này đã tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%.

Trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4% và nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là điểm sáng khác của nền kinh tế. Theo đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

2025 là năm tăng tốc, bứt phá

Để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8%. Con số này cao hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5% mà Quốc hội giao Chính phủ.

"Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc ngày 1/12/2024.

Năm 2025, thời khắc chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức (Ảnh: VGP).

Với mục tiêu tăng trưởng đề ra, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói rằng, phải cố gắng phấn đấu để đạt được. "Chúng ta có cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra bởi lẽ có sự tiếp nối của đà tăng trưởng năm 2024 khá tốt", ông Phương nói.

Ông Phương khẳng định, với những thay đổi mang tính căn cơ trong năm 2025, nhất là tư duy đột phá về thể chế, tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục hành chính từ các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, kỳ vọng sẽ giải phóng những nguồn lực, đóng góp lớn cho tăng trưởng năm 2025.

"Với quyết tâm cao của Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, đó cũng là bước đi để chúng ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để đạt được mục tiêu cao cả của Đảng, Nhà nước thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ rất quan trọng", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Ông cũng nói rằng, để đạt được những mục tiêu dài hạn mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra thì chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ. "Nếu ai đó nói rằng mục tiêu quá sức hay không thì chúng ta không bàn việc đến đó nữa. Đã đặt mục tiêu là phải quyết tâm làm, cho dù quá sức thì cũng phải cố", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Năm 2025, thời khắc chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: PĐ).

Nhận định về tầm quan trọng của năm 2025, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều vấn đề lớn.

Theo ông Phạm Thế Anh, nếu như những năm trước đây, Việt Nam chỉ nói đến chuyện cải cách kinh tế, bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực kinh tế từ chính sách thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất... để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì hiện nay, Việt Nam làm rộng hơn đi về thể chế, môi trường kinh doanh, thể hiện qua việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy Nhà nước. Chính phủ Việt Nam đang đi từ cải cách thể chế, sau đó đi vào chính sách kinh tế lớn. Đây là sự cải cách rất sâu rộng.

Chính phủ đang quyết tâm thực hiện các chương trình, chính sách lớn từ sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ, đường sắt cao tốc Bắc Nam. Các chương trình này đều lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nếu thành công Việt Nam thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình. Đây là một thời khắc quyết định.

"Năm 2025, Chính phủ đặt ra bước đầu của cải cách và định hướng cho giai đoạn phát triển dài hạn. Chính sách có đúng đắn hay không sẽ quyết định sự thành công của Việt Nam sau này. Thế nên thời điểm này rất quan trọng với Việt Nam", ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Năm 2025, thời khắc chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam- Ảnh 5.

TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU).

Nhận định về động lực tăng trưởng, TS. Phạm Thế Anh cho rằng, trong ngắn hạn trong năm 2025 vẫn xuất phát từ động lực chính là đầu tư công với khởi động loạt dự án mới. Động lực tiếp theo là xuất khẩu, song, xuất khẩu có thể tăng chậm lại trên nền cao của năm nay, cộng với bất ổn chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tiếp nữa là tăng trưởng kinh tế thế giới theo dự báo của các tổ chức trên thế giới sẽ chậm lại kéo theo nhu cầu yếu. Xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục, không chỉ do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn từ lợi thế vị trí địa lý, giá lao động ở Việt Nam vẫn rẻ.

HSBC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo ông Thế Anh, hiện nay, ở thị trường Mỹ, lạm phát chủ yếu xuất phát từ thị trường lao động do giá nhân công cao. Các nước châu Âu hay các nước phát triển đều gặp vấn đề này.

Việt Nam vẫn có lợi thế về giá nhân công rẻ, hấp dẫn đầu tư nước ngoài và hướng sang xuất khẩu ra bên ngoài để đáp ứng về nhu cầu lao động. Việt Nam cũng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, động lực vẫn đến từ sản xuất hàng hóa tiêu dùng hướng ra xuất khẩu.

Doanh nghiệp đã có đơn hàng đến giữa năm 2025

Với nền tảng tốt từ năm 2024, guồng máy của nền kinh tế đã hối hả vận hành để chuẩn bị cho năm 2025 nhiều cơ hội, song cũng dự báo đầy thách thức.

Như với ngành dệt may, những ngày này, Tổng Công ty May 10 luôn rộn ràng tiếng máy may, dập là, để kịp xuất hơn 2 triệu chiếc sơ mi mỗi tháng. Công ty phải tăng ca để hoàn thành đơn hàng khách đã ký và tiếp tục đón các đoàn sang khảo sát mẫu mã.

"Chúng tôi đã kín đơn hàng đến hết tháng 1/2025. Còn trong quý I/2025, chúng tôi cũng ký được khoảng 70% năng lực sản xuất được, 30% còn lại đang đàm phán với khách hàng", ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay.

Năm 2025, thời khắc chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam- Ảnh 6.

Doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, da giày đã có đơn hàng cho đến quý I/2025 (Ảnh: TH).

Thông tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, mặc dù đối mặt với áp lực giảm giá, yêu cầu chất lượng cao, các tiêu chí bền vững, chi phí đầu vào tăng và thiếu hụt lao động, ngành da giày - túi xách vẫn đạt được doanh thu 26 tỷ USD trong năm 2024, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2023.

Bước sang năm 2025, ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ngành da giày còn phụ thuộc vào yếu tố nhu cầu tiêu dùng và khả năng tuân thủ tiêu chuẩn xanh từ các thị trường nhập khẩu.

Các doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon… nhằm mở thêm kênh tiêu thụ. Một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.

Theo các tổ chức quốc tế, dệt may, da giày của Việt Nam tiếp tục chiếm ưu thế cạnh tranh tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ, vì thế đơn hàng sẽ không phải nỗi lo của doanh nghiệp trong năm 2025.