Hồi chuông cảnh tỉnh cho những người nổi tiếng
Chỉ trong mấy tháng đầu năm đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động livestream bán hàng bị cơ quan chức năng xử phạt do vi phạm quy định về quảng cáo và thuế. Trong tháng 3, bà Nguyễn Thị Thái Hằng (biệt danh Hằng Du Mục) và ông Phạm Quang Linh (biệt danh Quang Linh Vlogs) đã bị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xử phạt mỗi người 70 triệu đồng vì đã quảng cáo không đúng sự thật về chất lượng sản phẩm kẹo rau củ Kera trong các buổi livestream, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Mới đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng liên quan đến Công ty cổ phần Asia life và Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt, ra quyết định khởi tố các bị can liên quan, trong đó có Phạm Quang Linh và Nguyễn Thị Thái Hằng. Đặc biệt, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng vừa bị khởi tố và tạm giam với cáo buộc “Lừa dối khách hàng”.
Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, Hoa hậu Thùy Tiên chỉ là những trường hợp điển hình trong số rất nhiều người nổi tiếng, người có ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật về chất lượng và công dụng của sản phẩm. Trước đó, một Hoa hậu Việt Nam khác cũng đã từng phải công khai xin lỗi người hâm mộ sau khi quảng cáo một loại thực phẩm chức năng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt. Nhiều nghệ sĩ khác như: Quyền Linh, Hồng Vân, Nam Thư, Diệu Nhi, Phương Mỹ Chi… cũng từng lên tiếng nhận lỗi vì quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp không đúng công dụng hay thậm chí là sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Theo quy định pháp luật, bất kỳ ai nếu quảng cáo sai lệch đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. Nhưng với những người có tầm ảnh hưởng lớn, tác động xã hội do hành vi sai phạm gây ra thường nghiêm trọng hơn rất nhiều, nhất là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay.
"Vụ án trên là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội trong việc quảng bá giới thiệu, công bố các sản phẩm cho các nhà sản xuất, các nhà phân phối, để xử lý nghiêm theo quy định, nhất là những đối tượng lợi dụng không gian mạng", Đại tá Trần Quốc Cường - Trưởng Phòng Điều tra và Thẩm định hồ sơ tố tụng, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho biết.

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên vừa bị khởi tố và tạm giam với cáo buộc “Lừa dối khách hàng”.
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, nội dung quảng cáo bắt buộc phải đăng ký với cơ quan chức năng. Riêng đối với thực phẩm bổ sung, đơn vị sản xuất sẽ tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng và nội dung quảng cáo. Đây chính là kẽ hở để những người có sức ảnh hưởng, người nổi tiếng lách luật, quảng cáo sai lệch.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm ngoái có khoảng 200.000 KOL hoạt động trên nền tảng mạng xã hội Việt Nam, tăng gấp bốn lần so với năm 2022. Sự phát triển ồ ạt của hình thức bán hàng online và sự thiếu kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng vàng - thau lẫn lộn.
Tăng nặng và mở rộng hình phạt
Trước thực trạng đáng lo ngại nêu trên, việc tăng cường quản lý và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ, người nổi tiếng là vô cùng cấp thiết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: "Chúng tôi đang đề xuất bổ sung thêm các quy định siết chặt hơn và cũng nâng mức xử phạt kèm các hình phạt bổ sung. Ví dụ, ngoài việc phạt tiền còn có thể không cho phép những người vi phạm được tham gia kinh doanh hoặc quảng cáo sản phẩm đó trong thời gian nhất định. Như vậy, luật sẽ đủ sức răn đe cho các đối tượng và đem lại lợi ích nhiều hơn với mức xử phạt thông thường".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Thoa, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Thoa, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cũng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được chỉnh lý với nhiều điểm mới quan trọng, nhằm theo kịp sự phát triển của mạng xã hội và xu hướng thương mại điện tử hiện nay. Một trong những điểm đáng chú ý là chuyển hướng quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, thay vì cấp phép và kiểm duyệt trước như trước đây, luật sẽ quy định rõ quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia quảng cáo. Khi phát sinh vi phạm, các hình thức xử lý sẽ được áp dụng bao gồm xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật, hình sự hoặc buộc bồi thường thiệt hại.
"Hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm quảng cáo đang được quy định tại Nghị định 38 và Nghị định 24, với mức phạt tối đa là 400 triệu đồng cho tổ chức. Tuy nhiên, mức này còn quá nhẹ so với lợi nhuận mà các cá nhân, tổ chức thu được từ việc quảng cáo sai sự thật, nhất là với những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Do đó, việc đề xuất tăng mức xử phạt là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để tăng tính răn đe", bà Thoa nhấn mạnh.
Ngoài hình phạt chính như phạt tiền, dự thảo Luật cũng đề cập đến các biện pháp bổ sung như tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép nhằm ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm. Lần đầu tiên, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của những người truyền tải sản phẩm quảng cáo, bao gồm cả KOL, KOC và người nổi tiếng trên mạng. Theo bà Thoa, đây là nhóm có ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng, vì vậy cần được kiểm soát chặt chẽ.
Đừng chốt đơn bằng… niềm tin
Không thể phủ nhận, hiện nay mạng xã hội là một ma trận quảng cáo với thật - giả lẫn lộn. Nhưng trong ma trận đó, không ai có thể ép chúng ta phải "chốt đơn". Quyền lựa chọn và cả trách nhiệm vẫn nằm ở mỗi người tiêu dùng.
Sau những động thái cứng rắn từ phía cơ quan điều tra, nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu thận trọng hơn với những sản phẩm được "người nổi tiếng bảo chứng". Từ chỗ chỉ đơn thuần là người hâm mộ, họ người đang dần trở thành những người tiêu dùng có trách nhiệm - biết cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn gốc, công dụng và tính pháp lý của sản phẩm trước khi đưa ra quyết định.

Sau những động thái cứng rắn từ phía cơ quan điều tra, nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu thận trọng hơn với những sản phẩm được "người nổi tiếng bảo chứng". Ảnh minh họa.
Trước đây, sau mỗi sai phạm, đa số người nổi tiếng chỉ cần đóng một mức phạt từ vài triệu đến vài chục triệu, lên clip xin lỗi, hay thậm chí là im lặng một thời gian rồi tìm cách quay lại. Nhưng nay, cách xử lý không còn đơn giản như vậy.
"Pháp luật quy định mang tính răn đe nhưng cái cao hơn là hiệu ứng của cộng đồng. Nếu anh nói sai, cộng đồng tẩy chay thì đó là hình phạt nặng nhất", ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nêu ý kiến.
Người tiêu dùng, hơn ai hết, cần tự trang bị cho mình kỹ năng phòng vệ thông tin, không nên dễ dàng đặt niềm tin chỉ vì vài lời quảng cáo có cánh từ những gương mặt nổi tiếng. Niềm tin, một khi bị lợi dụng sai mục đích, có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho những hành vi trục lợi.
Chỉ khi nào mỗi mắt xích trong hệ sinh thái số từ cơ quan quản lý, nền tảng công nghệ, người sáng tạo nội dung đến chính người tiêu dùng cùng hành động có trách nhiệm, khi đó chúng ta mới có thể kiến tạo một thị trường thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh và phát triển đúng với tiềm năng kinh tế số mà Việt Nam đang hướng tới.