Lạm phát tăng, gần 100.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025 có hơn 89.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024.

CPI tăng 3,2% sau 4 tháng đầu năm

4 tháng đầu năm 2025, trong 11 nhóm hàng có tới 9 nhóm hàng tăng giá đẩy CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo mới công bố từ Cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 0,07% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong 11 nhóm hàng, có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm hàng giảm giá.

Trong 9 nhóm hàng tăng giá, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng có mức tăng lớn nhất 14,19%, làm CPI chung tăng 0,76 điểm phần trăm.

Lạm phát tăng, gần 100.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm- Ảnh 1.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 4/2025 so với tháng trước (Nguồn: Cục Thống kê).

Ngoài ra, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,26% do giá nhà ở thuê và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, làm CPI chung tăng 0,99 điểm phần trăm. 

Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,16% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 11/10/2024, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, tác động làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,86%, góp phần làm CPI chung tăng 1,3 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 13,46% do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm…

Theo Cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 4/2025 tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,2%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Gần 100.000 doanh nghiệp rút lui 

Liên quan đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo của Cục Thống kê cho biết trong 4 tháng đầu năm, cả nước có hơn 51.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Bên cạnh đó, cả nước có 38.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024). 

Tính chung, 4 tháng đầu năm có hơn 89.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có gần 22.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong chiều ngược lại, cả nước có 68.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 20.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; hơn 7.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung có 96.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng (24.100 doanh nghiệp/tháng).

Lạm phát tăng, gần 100.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm- Ảnh 2.

4 tháng đầu năm có hơn 89.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động

Về hoạt động xuất nhập khẩu, trong tháng 4/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 74,32 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước song tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2025 đạt 37,45 tỷ USD, giảm 2,8%. Còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2025 đạt 36,87 tỷ USD, xấp xỉ bằng kim ngạch tháng trước.

Cộng dồn 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 276,89 tỷ USD (tăng 15,7%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 140,34 tỷ USD tăng 13%; nhập khẩu 136,55 tỷ USD (tăng 18,6%) . Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD.

Ngân hàng Việt đối diện ra sao với bài toán thuế quan Mỹ?Doanh nghiệp lớn toàn cầu tiếp tục tin tưởng, gia tăng đầu tư tại Việt Nam

Tại đây, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,2 tỷ USD.

"Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất siêu sang Mỹ đạt 37,7 tỷ USD tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 35,1 tỷ USD, tăng 44,2%", Cục Thống kê cho biết.

Về đầu tư, Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/4 đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng trong 5 năm qua.

Với thu chi ngân sách nhà nước, thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 944.100 tỷ đồng (tăng 26,3%), trong chiều ngược lại chi ngân sách 595.400 tỷ đồng (tăng 15,2%).