Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Khoản 8 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT quy định: "Trường hợp giáo viên phổ thông đã có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và bằng trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm hoặc trường hợp giáo viên phổ thông đã có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp trước ngày 22 tháng 5 năm 2021 thì được xác định là có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của cấp học đang giảng dạy theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành".
Do đó, nếu bà Nguyễn Thị Ngọc Mai đang là giáo viên THCS, đã có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trung cấp chuyên nghiệp do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cấp năm 2016 thì được xác định là có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS. Tức là đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng để giảng dạy ở cấp THCS.
Trường hợp bà Mai chưa là giáo viên THCS thì bà cần lưu ý, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trung cấp chuyên nghiệp là chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp, không phải là chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT ngày 5/4/2021. Nếu bà đã có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với môn học bà mong muốn giảng dạy ở cấp THCS thì bà phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS theo quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT thì mới đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng để giảng dạy ở cấp THCS.
Chinhphu.vn