
Tỉnh có thế mạnh du lịch sinh thái nhờ cảnh quan đa dạng: núi, rừng, sông, hồ, thác nước, đồi chè xanh trải dài. Ảnh: TNGOP
Hội nghĩ đã nhận được nhiều tham luận của các đại biểu khẳng định tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh Thái Nguyên cũng như chia sẻ những giải pháp, ý tưởng về các sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn sẽ được tổ chức tại Thái Nguyên.
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, sở hữu hơn 1.000 di tích, gần 300 làng nghề và trên 300 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Đây là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch tự nhiên, văn hóa và cộng đồng.
Đẩy mạnh quảng bá văn hóa đậm tính bản địa của Thái NguyênThái Nguyên còn là "cái nôi cách mạng" với các di tích lịch sử nổi bật như An toàn khu Định Hóa, Đại đội 915... Bên cạnh du lịch về nguồn, tỉnh có thế mạnh du lịch sinh thái nhờ cảnh quan đa dạng: núi, rừng, sông, hồ, thác nước, đồi chè xanh trải dài – nổi bật là Hồ Núi Cốc, Hồ Ghềnh Chè, Tam Đảo, Tân Cương...

Ông Lê Ngọc Linh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Là thủ phủ chè cả nước với diện tích 22.200 ha, sản lượng búp tươi 267.500 tấn/năm, tổng thu ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng, Thái Nguyên còn nổi tiếng với nghệ thuật thưởng trà - "Đệ nhất danh trà". Nhiều cơ sở đã đầu tư không gian trải nghiệm chè, lưu trú, ẩm thực, góp phần thu hút du khách.
Hiện tỉnh có 12 điểm du lịch được công nhận, tiêu biểu là Khu bảo tồn làng nhà sàn Thái Hải - đạt danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất thế giới 2022" và "Làng du lịch cộng đồng ASEAN 2025".
Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phát triển tuyến du lịch Hà Nội - Thái Nguyên gắn với quảng bá văn hóa trà. Các hoạt động bao gồm: Trưng bày sản phẩm OCOP tại ga, trang trí đoàn tàu theo chủ đề trà, phát triển cảnh quan ven tuyến và hợp tác doanh nghiệp kích cầu du lịch.
Tại Hội nghị, bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cầu nối văn hóa và động lực phát triển bền vững. Tỉnh đang tập trung vào ba trụ cột chính: Phát triển hệ sinh thái sản phẩm du lịch kết hợp truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ lấy du khách làm trung tâm; và huy động tổng lực từ chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng để xây dựng thương hiệu "Du lịch Thái Nguyên".
Tỉnh Thái Nguyên đang khai thác thế mạnh về lịch sử công nghiệp với các tour chuyên đề về ngành gang thép, kết hợp thăm nhà máy và các khu công nghiệp như Yên Bình. Hạ tầng du lịch thể thao đang được đầu tư mạnh: Sân vận động mới khánh thành, hai sân golf lớn sẽ ra mắt năm 2025 và khu nghỉ dưỡng 6 sao Flamingo khai trương năm 2026.
Mặt khác, Thái Nguyên khôi phục văn hóa truyền thống, phát triển võ thuật cổ truyền như một sản phẩm du lịch mang tính giáo dục và bảo tồn di sản. Tỉnh cũng thúc đẩy du lịch bền vững với các chương trình phối hợp doanh nghiệp như May Plaza, tổ chức Gala Dinner trà, "Trà nương truyền thống", tour bảo tàng đêm, trồng cây tại vùng trà.
Với định hướng mới của tỉnh là kết hợp yếu tố bản địa với công nghệ, truyền thông sáng tạo và chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch. Từ chỗ chỉ nổi tiếng với Hồ Núi Cốc, chè Tân Cương hay ATK, Thái Nguyên đang chuyển mình bằng những sản phẩm du lịch khác biệt và trải nghiệm sâu.

Bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách, gần gấp đôi năm trước. Ảnh: VGP
Nổi bật là tàu du lịch "Hành trình trải nghiệm văn hóa trà" đưa du khách khám phá bốn vùng chè danh tiếng: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Phú Lương. Văn hóa trà được nâng tầm thành nghệ thuật thưởng trà, gắn với ẩm thực và sức khỏe. Cùng với đó, Thái Nguyên phát triển tour bảo tàng về đêm, kết hợp ánh sáng, trình diễn nghệ thuật, và công bố 153 món ăn chế biến từ trà - khẳng định chè là nguyên liệu chủ đạo trong ẩm thực xanh, sạch, tốt cho sức khỏe.
Để đạt mục tiêu, tỉnh mở rộng thị trường, hướng đến nhóm khách mới như học sinh, sinh viên, khách công tác, chuyên gia tại khu công nghiệp, và khách MICE. Các tour linh hoạt nửa ngày, 1 ngày, hoặc 2 ngày 1 đêm được thiết kế để kết hợp giữa công việc và trải nghiệm du lịch đặc trưng", bà Ngọc Anh chia sẻ.
Với du khách quốc tế, Thái Nguyên kỳ vọng thu hút bằng các tour trải nghiệm văn hóa trà, ẩm thực trà, du lịch cộng đồng và khám phá thiên nhiên vùng trung du. Tỉnh cũng từng bước nâng cấp hạ tầng lưu trú, khách sạn, trung tâm hội nghị để phục vụ đoàn khách quy mô lớn, hướng đến xây dựng Thái Nguyên thành điểm đến đậm bản sắc, hấp dẫn và đáng nhớ trong lòng du khách.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Chính Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên trong kết nối Thủ đô với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Với mong muốn khôi phục tuyến tàu khách này, Tổng công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Nguyên để không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là quảng bá văn hóa trà "đệ nhất danh trà" của Việt Nam.
Tuyến đường sắt thuận tiện mở ra tiềm năng phát triển các tour trải nghiệm độc đáo như tham quan đồi chè, thưởng trà đạo, tìm hiểu quy trình chế biến trà và khám phá không gian văn hóa bản địa. Từ ga Lưu Xá, du khách có thể dễ dàng đến các điểm nổi tiếng như Tân Cương, Hồ Núi Cốc, khu di tích ATK Định Hóa…
Ông Nam cũng cho biết, Tổng công ty Đường sắt sẽ tổ chức các chuyến tàu chuyên biệt như "Tàu Trà đạo", thiết kế toa xe mang đậm phong cách văn hóa trà; phối hợp doanh nghiệp du lịch xây dựng chính sách kích cầu, trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại nhà ga, đồng thời đẩy mạnh truyền thông quảng bá tuyến tàu và văn hóa trà Thái Nguyên trên các nền tảng số và báo chí.

Ông Trần Trung Hiếu: "Ngành du lịch Thủ đô cam kết đồng hành và ủng hộ các hoạt động của ngành du lịch Thái Nguyên". Ảnh: VGP
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội (HUTC) cho rằng, Thái Nguyên đang có rất nhiều sản phẩm du lịch tiềm năng. Nếu ngành du lịch có chính sách khai thác đúng, chỉ riêng dòng khách chuyên gia làm việc tại đây cũng đã là một nguồn khách quốc tế đáng kể. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự chuẩn bị về nhân lực, hướng dẫn viên, hạ tầng và dịch vụ an toàn. Ngoài ra, để thu hút khách quốc tế và cao cấp,ông Phạm Tiến Dũng lưu ý, Thái Nguyên cần nâng tầm sản phẩm trà từ "danh trà" thành "nghệ thuật thưởng trà" đẳng cấp, kết hợp với du lịch sinh thái, ẩm thực trà, trải nghiệm văn hóa bản địa, biến trà Thái Nguyên thành câu chuyện đặc sắc, mang tầm quốc tế.
Tại Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, Hà Nội và Thái Nguyên có mối liên kết trên nhiều phương diện; bao gồm sự gắn kết về quy hoạch trong vùng Thủ đô Hà Nội, kinh tế, giao thông và du lịch, cùng với mục tiêu chung là phát triển toàn diện của cả vùng.
Hệ thống giao thông kết nối (cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không) ngày càng được đầu tư phát triển, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và tăng cường kết nối kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai địa phương. Đặc biệt sự liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch giữa Hà Nội và Thái Nguyên, với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung, hoạt động khảo sát trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, tăng cường quản lý đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi.
Cũng theo ông Hiếu, trên bản đồ du lịch Việt Nam, Thái Nguyên đầy tiềm năng, nổi lên là điểm đến hấp dẫn, đang trên đà phát triển mạnh mẽ (tăng trưởng khách trên 30% năm 2024), có những sản phẩm du lịch độc đáo và dần khẳng định hơn nữa vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam, đặc biệt trong các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và cộng đồng...
Để sự liên kết này chặt chẽ và đem lại hiệu quả cao, theo ông Trần Trung Hiếu, 2 địa phương cần tiếp tục tập trung xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của các địa phương theo hướng tạo ra được các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn du khách. "Đơn cử, việc hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên và Tổng công ty đường sắt Việt Nam hôm nay để triển khai sản phẩm du lịch đường sắt ra mắt sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy liên kết tuyến mạnh mẽ, thực sự độc đáo, hấp dẫn từ Thủ đô tới xứ Trà", ông Hiếu nhấn mạnh.
Hai địa phương cũng phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các phương tiện, các kênh truyền thông của các địa phương. Đồng thời, phối hợp tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; tích cực tham gia các sự kiện của nhau, hàng năm phối hợp tổ chức từ 1-2 chương trình, sự kiện du lịch chung.
Bên cạnh đó, việc tăng cường trao đổi thông tin quản lý; đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, an toàn, thân thiện cho du khách giữa hai địa phương. Nhất là tiếp tục phối hợp tổ chức đoàn FAM cho các doanh nghiệp lữ hành khảo sát phát triển tour du lịch mới kết nối Hà Nội - Thái Nguyên. Theo ông Trần Trung Hiếu, sự liên kết, phối hợp giữa Hà Nội với Thái Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển du lịch của hai địa phương. Du lịch Hà Nội cam kết không ngừng tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với tỉnh Thái Nguyên trong hoạt động phát triển du lịch, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội chung của các địa phương và cả nước.
Minh Anh