Hà Nội: Ghi nhận 211 ca mắc sởi, ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng

Trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 211 trường hợp mắc sởi và 240 trường hợp mắc tay chân miệng tại 30 quận, huyện. Dự báo số ca mắc tiếp tục có xu hướng gia tăng.

240 trường hợp mắc tay chân miệng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), trong tuần qua (từ ngày 11/4 đến ngày 18/4), toàn thành phố ghi nhận 211 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã; 0 ca tử vong; số mắc giảm 1 trường hợp so với tuần trước (212 mắc/0 ca tử vong).

Số ca mắc sởi chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, có xu hướng tăng ở nhóm trên 10 tuổi, dự báo số mắc có thể sẽ tiếp tục gia tăng.

Hà Nội: Ghi nhận 211 ca mắc sởi, ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng- Ảnh 1.

Số ca mắc sởi dự báo tiếp tục tăng.

Cộng dồn năm 2025, thành phố ghi nhận 1.876 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 1 tử vong (các ca sởi được ghi nhận từ tháng 9/2024 đến nay). 

Trong tuần ghi nhận 240 trường hợp mắc tay chân miệng tại 30 quận, huyện, thị xã, 0 ca tử vong, tăng 49 trường hợp so với tuần trước. 

Số mắc tay chân miệng có xu hướng tăng, chủ yếu là các trường hợp bệnh tản phát, ở nhóm trẻ ≤ 3 tuổi (94,7%), ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng, dự báo tiếp tục xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Trong tuần qua, thành phố ghi nhận 5 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 0 tử vong; tăng 3 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 212 trường hợp mắc, 0 tử vong; giảm so với cùng kỳ năm 2024 (576/0). Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch, cộng dồn năm 2025 ghi nhận 1 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.

Trong tuần cũng ghi nhận 1 trường hợp mắc uốn ván người lớn tại Hoàng Mai (nữ, 65 tuổi, tiền sử có vết thương ngón 4 tay trái, chưa tiêm phòng uốn ván); 0 ca tử vong. 

Ngoài ra, các dịch bệnh khác như: ho gà, liên cầu lợn, não mô cầu, viêm não nhật bản không ghi nhận trong tuần.

Tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và giáo dục

CDC Hà Nội cho biết, tuần tới tiếp tục kiểm tra công tác quản lý số liệu, thống kê báo cáo bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết dengue tại Thường Tín, Ba Đình, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Long Biên, Ba Vì, Hà Đông. Giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2024 tại Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã rà soát và tổ chức tiêm chủng vắc-xin sởi cho trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi. 

Cùng với đó, tăng cường giám sát phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch; tổ chức các hoạt động xử lý triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng theo quy định.

Hà Nội: Ghi nhận 211 ca mắc sởi, ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng- Ảnh 2.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và giáo dục trong công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh sởi, tay chân miệng... trong trường học; phối hợp triển khai công tác tiêm chủng vắc-xin trong trường học cũng như việc rà soát, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định.

Cử tri Hà Nội đề nghị sớm xử lý cán bộ để xảy ra vụ sản xuất 600 loại sữa giả

Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết trước mùa dịch; thực hiện giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng, kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.

Tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch.

Song song với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Tuyên truyền người dân chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng bổ sung do ngành y tế triển khai.