Góc nhìn Người Đưa Tin: Dấu ấn nổi bật ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2024

Với vai trò là cơ quan “tổng tham mưu trưởng” về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thành khối lượng công việc lớn được Chính phủ giao.

1. Thực hiện tốt việc tham mưu cho Chính phủ về kinh tế - xã hội, góp phần vào thành tích tăng trưởng GDP

Thực hiện tốt việc tham mưu cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội góp phần vào thành tích tăng trưởng GDP. 

Ngay từ đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp dự thảo Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay trong ngày đầu tiên của năm mới.

Kết quả cho thấy, năm 2024, tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Dấu ấn nổi bật ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2024- Ảnh 1.

Trong Luật Đầu tư công (sửa đổi), chuyện phân cấp, phân quyền được thực hiện triệt để với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" (Ảnh: PT).

2. Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), "1 luật sửa 4 luật"

Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỉ lệ tán thành rất cao.

Với Luật Đầu tư công (sửa đổi), mục tiêu là tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, tạo cú hích quan trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này, chuyện phân cấp, phân quyền được thực hiện triệt để với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Với "1 luật sửa 4 luật", việc sửa đổi nhằm khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, bám sát thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo động lực lớn trong cải thiện môi trường đầu tư.

3. Dòng vốn FDI đạt kỷ lục, sôi động những cái bắt tay tỷ USD

Năm 2024 được đánh giá là năm thành công thu hút vốn FDI. Cụ thể, vốn FDI vào Việt Nam 11 tháng năm 2024 đạt gần 31,4 tỷ USD với hàng loạt dự án chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; tập trung nhiều ở các tỉnh thành có lợi thế về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.

Năm 2024 ghi dấu chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài đã được cải thiện. Việt Nam đang dần trở thành "bến đỗ" của các dự án công nghệ cao, bao gồm cả các ngành công nghiệp tiên phong. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip...

Góc nhìn Người Đưa Tin: Dấu ấn nổi bật ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2024- Ảnh 2.

Chính phủ Việt Nam và NVIDIA hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm Dữ liệu AI ngày 5/12/20224 (Ảnh: VGP).

Đáng chú ý, thoả thuận hợp tác được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - NVIDIA tạo cú hích lớn cho thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp tiên phong.

Bên cạnh đó, nhiều "ông lớn" công nghệ như Samsung đã đầu tư xây dựng tại Việt Nam trung tâm R&D lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á; Amkor tăng đầu tư vào nhà máy bán dẫn; Intel có những cam kết đầu tư và mở rộng, LG tăng vốn vào lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất màn hình OLED…

4. NIC khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập ngày 2/10/2019. Năm 2024 tròn 5 năm thành lập, NIC đã từng bước khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo, là đơn vị dẫn dắt kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh cho Việt Nam.

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, NIC sẽ là nơi hội tụ một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động trong khu vực, nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và nhân tài trong và ngoài nước, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, đưa các dự án đổi mới sáng tạo phát triển lên một tầm cao mới, sẵn sàng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

5. Con số thống kê biết nói

Ngành Thống kê cung cấp số liệu quan trọng phục vụ quyết sách lớn của đất nước

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, thể hiện rõ "con số biết nói" thông qua các số liệu được công bố qua từng tháng, từng quý, từng năm; bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho quản lý, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu.

Trong năm qua, Tổng cục Thống kê đã dự báo, cung cấp thông tin, số liệu phục vụ nghiên cứu khoa học làm cơ sở để các cấp có thẩm quyền ra các quyết sách quan trọng như: Phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, phương án cải cách tiền lương, điều chỉnh giá điện, các dịch vụ y tế, giáo dục…

6. Thực hiện chủ trương hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính

Sau khi có chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, Chính phủ đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ định hướng duy trì 8 bộ, cơ quan ngang bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), đồng thời, sắp xếp, hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong đó, hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Sau khi sắp xếp lại hai bộ sẽ có 35 đầu mối, giảm 22 so với hiện nay. Trong đó, 34 đầu mối được sắp xếp từ hợp nhất hai bộ (17 cục, 13 vụ, văn phòng, thanh tra, 4 đơn vị sự nghiệp công lập). Một đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm xã hội.