Có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng đã rao bán trên mạng xã hội Facebook, Zalo

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tại Hội nghị Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” diễn ra sáng nay.
Có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng đã rao bán trên mạng xã hội Facebook, Zalo- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Sáng 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Phát biểu thảo luận ở hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị bổ sung vào kết quả giám sát nội dung đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng.

"Có một thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có người sở hữu được nhà ở xã hội không phải người trong diện được thụ hưởng ưu đãi này, không phải đối tượng chính sách, không là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay người thu nhập thấp theo quy định. Mặc dù Báo cáo giám sát chỉ rõ cho thấy cơ bản các Sở, ban, ngành tại các địa phương tuân thủ quy định pháp luật khi xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, tuy nhiên, có những dự án nhà ở xã hội tôi nhận thấy chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán đã xuất hiện trên mạng xã hội Facebook, Zalo", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến.

Đại biểu cho rằng, nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem ai là người đang ở trong nhà ở xã hội thì chắc rằng sẽ có những người không đúng đối tượng được ưu đãi. Thực trạng này có nhiều nguyên do nhưng có sai phạm, sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, có việc lách luật để mua đi bán lại nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến hệ luỵ là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn...

Đại biểu Nga mong muốn đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có kiến nghị cụ thể trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục, xét duyệt hồ sơ thuê, mua nhà ở xã hội để phát hiện, xử lý các sai phạm có liên quan.

Qua đó, Đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai các dự án xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đặc biệt là ở các vùng trung tâm công nghiệp có nhu cầu bức thiết về nhà ở dành cho công nhân.

Trước thực trạng giá bán nhà ở xã hội còn khá cao so với thu nhập của đối tượng được thụ hưởng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị các địa phương đặc biệt chú ý phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để người dân tiếp cận dễ dàng hơn.