Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ nhiều nền kinh tế, Việt Nam trong nhóm phải chịu mức thuế đối ứng cao nhất, lên đến 46%.
Nhà Trắng cũng đưa ra danh sách mức thuế mà các nước đang áp cho Mỹ. Theo danh sách này, Việt Nam, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang áp thuế lên hàng hóa Mỹ lần lượt ở mức 90%, 67% và 39%.
Ngoài ra, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu chung 10% đối với tất cả hàng hóa nhập vào nước này, bắt đầu từ ngày 5/4. Sau đó, từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn sẽ phải chịu thêm mức thuế đối ứng cao hơn theo bảng mà chính quyền Trump công bố.
Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu quan trọng của Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chiếm gần 30% tổng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Đặc biệt, năm 2024 ngành hàng dệt may đã xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch 16,2 tỷ USD, đóng góp 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Việt Nam hiện đang có khoảng 3.500 dự án, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành dệt may, với tổng mức đầu tư khoảng trên 37 tỷ USD. Khu vực FDI đang nắm giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dệt may, đóng góp khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.
Trước tình hình này, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần cẩn thận tính đến việc các doanh nghiệp FDI trong khối dệt may sẽ tìm thị trường khác để đầu tư.
“Khi hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không đạt được mức tối thiểu 20% có nguồn gốc từ Mỹ thì sẽ phải chịu mức thuế cao. Do đó, các nhà đầu tư dệt may từ Mỹ hoặc nước ngoài sẽ cân nhắc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước có mức thuế thấp hơn so với Việt Nam”, vị chuyên gia phân tích.
Đứng trước mức thuế quan mà Mỹ áp dụng, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn về cả thị trường tiêu thụ lẫn sự chuyển dịch dòng vốn FDI.
"Doanh nghiệp cần bình tĩnh"
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhìn nhận, mức thuế 46% mà chính quyền Trump đưa ra là một "cú giáng" mạnh lên các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là dệt may.
Theo đó, hiện tại hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có mức thuế dao động từ 0% đến 27%, tùy theo chủng loại sản phẩm. Vì Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, các mức thuế này đã tồn tại từ trước, chứ không phải chỉ mới bị áp dụng.
Tuy nhiên, mức thuế 46% lần này là một biện pháp tổng thể và sẽ sớm có quy định chi tiết cho từng dòng sản phẩm.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas).
"Hiệp hội cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần bình tĩnh, chờ đợi kết quả thương lượng giữa 2 Chính phủ. Đồng thời, các nhãn hàng lớn cũng sẽ có những động thái để hạn chế tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng", Chủ tịch Vitas nói.
Bên cạnh đó, ông Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát nguồn nhập khẩu nguyên liệu, tránh tình trạng gian lận xuất xứ hoặc bị "rửa" hàng. Theo ông, ngành dệt may cần thận trọng để giữ vững uy tín trên thị trường quốc tế, đặc biệt là với Mỹ.
“Phải thường xuyên theo dõi động thái của ông Trump cũng biết được quan điểm và cách thức mà ông ấy đặt ra cho các nước, từ đó đánh giá lại các thị trường, tìm cách tránh được “bẫy thuế quan” và giảm thiểu thiệt hại”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, Chính phủ đang họp phương án, giải pháp cho tình hình hiện tại nên ông Phong cho biết việc trước mắt cần quan sát xem bản chất đằng sau chính sách. Với mỗi nước, Mỹ sẽ đưa ra mức thuế khác nhau, Việt Nam cần tiếp cận để tìm hiểu thực chất nguyên nhân của mức thuế cao như đã công bố.
“Cần tìm hiểu Mỹ đang quan ngại điều gì, và chúng ta cần làm gì để cải thiện, ví dụ như giảm thuế, tăng mua hàng từ Mỹ, ngăn chặn hành động gian lận xuất xứ từ Trung Quốc, thực hiện chuỗi cung ứng gắn thị trường Mỹ hơn…”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong đề xuất.
Về doanh nghiệp, ông cũng khuyến khích doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm đối tác mới và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động để đánh giá, có những kịch bản cho chính mình. Từ đó đề xuất những giải pháp cần thiết để Chính phủ, cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành nghề và địa phương cùng hỗ trợ.
Các cơ quan chức năng cũng cần có hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa, nhất là ngành dệt may bằng cách đẩy mạnh đàm phán thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới và có chính sách ưu đãi thuế, tín dụng để giảm bớt áp lực tài chính.
Trước thông tin về việc Mỹ áp thuế với hàng hóa Việt Nam, trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Cùng với việc chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.