Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước sáng 15/4, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cho biết, tập đoàn chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ xu hướng công nghệ, dịch chuyển năng lượng và đặc biệt là rất nhạy cảm với các vấn đề về địa chính trị như thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỉ giá, lãi suất…
Trong bối cảnh đó, tập đoàn vẫn đặt ra mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng và của Bộ Tài chính là tăng trưởng ít nhất 8%. Ông Hùng cho biết tập đoàn tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.
Một là về quản trị, Petrovietnam đã xây dựng, kể cả những kịch bản xấu nhất khi giá dầu xu hướng tới 55 USD/thùng và phân bổ cấu trúc lại các nguồn lực cho các lĩnh vực, đồng thời đưa ra chính sách quản trị linh hoạt trong kinh doanh và cho nhà đầu tư và quản trị rủi ro.
Hai là tập trung vào đa dạng và mở rộng, cơ cấu lại thị trường, tập trung vào thị trường trong nước, liên kết chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế trong nước.
"Petrovietnam cũng đang chốt các điều khoản cuối cùng và dự kiến tháng 6 tới sẽ ký được 2 hợp đồng xuất khẩu sang Đông Bắc Á và sang châu Âu khoảng 1 tỷ USD liên quan đến công nghiệp năng lượng", ông Hùng thông tin.

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP).
Ba là tập trung vào quản trị danh mục đầu tư gắn với quản trị vốn, tài chính và dòng tiền, kiểm soát các biến động liên quan đến tỉ giá và lãi suất, đặc biệt là các cái dự án lớn trong danh mục đầu tư của tập đoàn.
Chủ tịch Lê Mạnh Hùng cho biết, tính từ nay đến cuối năm, gần như tháng nào Petrovietnam cũng sẽ đưa một công trình vào vận hành thương mại, như tháng 5 có dự án Đại Hùng 3 vào vận hành, sẽ có thêm khoảng 10.000 thùng dầu một ngày. Tháng 6 là dự án Nhân Trạch 3, tháng 7 là Kình Ngư Trắng, tháng 8 là Nhân Trạch 4…
"Trong năm nay, việc đưa vào vận hành thương mại các dự án đầu tư sẽ giúp cho Petrovietnam giữ được nhịp tăng trưởng", ông Hùng nói.
Nói về chuyển đổi số, ông Hùng cho biết đã kết hợp với các tập đoàn công nghệ trong nước như là Viettel, VNPT, FPT để triển khai các sáng kiến số. Đồng thời, tập trung đào tạo, cập nhật kiến thức chuyển đổi số cho lãnh đạo và toàn thể người lao động của Petrovietnam thông qua các nền tảng số nội bộ, xây dựng văn hóa số; tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam và toàn ngành.
Đến nay, dữ liệu lớn cho lĩnh vực cốt lõi như thăm dò, khai thác… đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác.
Petrovietnam đã triển khai và đưa vào vận hành các sản phẩm số, đặc biệt là đưa vào hoạt động hệ thống quản trị tổng thể các nguồn lực doanh nghiệp ở công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Các nhà máy thông minh của Petrovietnam cũng đưa vào hoạt động, qua đó nâng công suất bình quân lên trên 120%.
"Các giải pháp về công nghệ số như trên đã góp phần giúp cho Petrovietnam đảm bảo được tốc độ tăng trưởng về doanh thu, khoảng 16,7%/ năm, nộp ngân sách khoảng 21,3%/năm cho giai đoạn 2021 - 2024 vừa qua", Chủ tịch PVN chia sẻ.
Ông cho biết, tập đoàn cũng nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để nâng mức chuyển đổi số của công ty mẹ đến mức 5 - tức là mức dẫn dắt và của toàn tập đoàn lên mức 4 vào năm 2030.
Nêu kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, ông Hùng kiến nghị Chính phủ xem xét cơ cấu lại chính sách thuế đối với tài nguyên, đặc biệt là đối với tài nguyên khí, để có thể thúc đẩy các dự án lớn đưa vào khai thác.
Tiếp đến là mô hình hoạt động Petrovietnam theo chuỗi giá trị về hệ sinh thái, do đó, kiến nghị Chính phủ cho phép tập đoàn được chỉ định cho các đơn vị trong tập đoàn thực hiện các công việc của tập đoàn. "Hiện nay, các công việc này đều phải đấu thầu, tốn rất nhiều thời gian", ông nói.
Vấn đề thứ ba ông Hùng kiến nghị là đối với dự án lớn và sử dụng công nghệ nước ngoài, kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại trong nước được tài trợ tài chính cho các dự án mà tập đoàn đang triển khai.