Kế hoạch tăng vốn lên gần 2.500 tỷ đồng
Sáng 18/4, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC, HoSE: BSI) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tại Hà Nội. Một số nội dung đáng chú ý là kế hoạch kinh doanh năm 2025, việc tăng vốn lên gần 2.500 tỷ đồng thông qua trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu.
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lãi trước thuế 560 tỷ đồng, tăng gần 9% so với thực hiện năm 2024. Bên cạnh đó, công ty cũng đặt mục tiêu tỉ lệ vốn khả dụng đạt từ 260%.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của BSC.
Kế hoạch trên được đưa ra dựa trên nhận định của ban lãnh đạo BSC về đà hồi phục kinh tế vĩ mô và môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện cho dòng vốn vào thị trường và triển vọng nâng hạng. Hiện Việt Nam đang từng bước giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của FTSE.
Song thị trường vẫn có những khó khăn, ngoài những yếu tố về diễn biến bất định của quốc tế thì việc cạnh tranh về thị phần sẽ ngày càng gay gắt hơn, phí giao sẽ tiếp tục giảm dần theo xu hướng Zero-fee. Đồng thời áp lực gia tăng tỉ giá trong bối cảnh duy trì nền lãi suất thấp tiếp tục là rào cản gia nhập lại thị trường của dòng vốn ngoại.
Bên cạnh mục tiêu kinh doanh, các cổ đông cũng thông qua phương án phát hành 22,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 10%. Vốn điều lệ sau khi phát hành dự kiến sẽ tăng từ 2.230 tỷ đồng lên 2.453 tỷ đồng. Mục đích phát hành là tăng vốn điều lệ phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh doanh của công ty. Đợt phát hành dự kiến thực hiện trong năm nay.
Thị trường giảm là cơ hội chiết khấu sâu
Tại Đại hội, cổ đông đã đặt câu hỏi tới ban lãnh đạo về ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ đối với công ty.
Chủ tịch HĐQT Ngô Văn Dũng cho biết, chính sách thuế quan đối ứng mới từ Hoa Kỳ đang định hình lại trật tự thương mại toàn cầu và đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam, do nước ta có khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu hướng đến thị trường Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, xu hướng sắp tới vẫn phụ thuộc vào tiến triển thực tế của đàm phán và mức độ ảnh hưởng cụ thể đến doanh nghiệp. Dù vậy, kỳ vọng nâng hạng thị trường và hệ thống KRX sắp vận hành vẫn là điểm tựa tích cực cho thị trường.
"Hiện BSC đã đẩy mạnh phân tích ảnh hưởng của chính sách thuế lên từng ngành nghề, doanh nghiệp cụ thể. Trên cơ sở đó, chúng tôi hỗ trợ nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu ít bị tác động để đảm bảo hiệu quả và mức độ an toàn trong danh mục đầu tư", người đứng đầu BSC nói.
Về cơ hội, thị trường giảm sâu tạo ra mặt bằng giá hấp dẫn tại nhiều cổ phiếu đầu ngành có nền tảng tốt, tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Đây là những cơ hội chiết khấu sâu mà trong điều kiện bình thường khó xuất hiện.
BSC quan tâm vào các nhóm ngành có cơ bản tốt, định giá phù hợp và ít chịu tác động trực tiếp như: Hạ tầng, tài chính, tiêu dùng, công nghệ thông tin, năng lượng... trên cơ sở đánh giá thận trọng và phù hợp khẩu vị đầu tư.
Lãnh đạo Chứng khoán BSC trả lời cổ đông tại Đại hội.
Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo được nâng hạng, Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Viễn cho rằng, bên cạnh việc thu hút dòng vốn quốc tế lớn, thì thị trường chung cũng thúc đẩy việc nâng cấp, áp dụng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại theo chuẩn quốc tế, tạo tiền đề phát triển các sản phẩm mới như: bán khống, cho phép bán chứng khoán chờ về, hợp đồng quyền chọn cổ phiếu giúp đa dạng hóa sản phẩm của thị trường Việt Nam, tăng thanh khoản và quy mô giao dịch của thị trường.
Cùng với đó là kỳ vọng cải thiện cấu trúc thị trường với sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức quốc tế; Nâng cao khả tiếp cận vốn từ nguồn lực quốc tế, tìm kiếm đối tác hợp tác, M&A.