Cao su Tây Ninh (TRC) báo lãi cao kỷ lục, gấp 3,7 lần trong nửa đầu năm

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, Cao su Tây Ninh đạt doanh thu hơn 358 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 105 tỷ đồng, tăng lần lượt 51,79% và gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2025.

Theo đó, trong quý II/2025, Cao su Tây Ninh ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 132 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Do sản lượng và giá bán bình quân mủ cao su quý II/2025 của TRC tăng nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cũng tăng, lợi nhuận sau thuế đạt 34,49 tỷ đồng, cao hơn 172% so với năm 2024.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, Cao su Tây Ninh đạt doanh thu hơn 358 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 105 tỷ đồng, tăng lần lượt 51,79% và gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Cao su Tây Ninh đã đạt mức kỷ lục đầu tiên tiên từ khi thành lập, vượt mốc 100 tỷ đồng lợi nhuận chỉ sau 6 tháng đầu năm.

Năm 2025, Cao su Tây Ninh đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu gần 563 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 178 tỷ đồng. Với kết quả trên, sau 6 tháng đầu năm, Cao su Tây Ninh đã thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu và 59% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Cao su Tây Ninh (TRC) báo lãi cao kỷ lục, gấp 3,7 lần trong nửa đầu năm - Ảnh 1.

Tại thời điểm 30/6/2025, tổng tài sản của Cao su Tây Ninh là 2.270 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2025, tổng tài sản của Cao su Tây Ninh là 2.270 tỷ đồng, tăng 3,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, phần lớn tài sản Cao su Tây Ninh nằm ở tài sản cố định với 995 tỷ đồng, chiếm 44%; tài sản dở dang dài hạn ở mức 465,3 tỷ đồng, chiếm 20,5%.

Nợ phải trả của Cao su Tây Ninh ở cuối quý II/2025 là gần 285 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với đầu năm. Đáng chú ý, Cao su Tây Ninh đã trả hết toàn bộ hơn 46 tỷ đồng vay nợ tài chính từ đầu năm. Các khoản nợ của TRC chủ yếu đến từ người mua trả tiền trước ngắn hạn 153 tỷ đồng, chiếm 53,8%; chi phí phải trả ngắn hạn 46,4 tỷ đồng, chiếm 16,2%.

Ở diến biến khác vào ngày 7/7, Cao su Tây Ninh cũng đã công bố kế hoạch bán toàn bộ 875.000 cổ phiếu quỹ đang nắm giữ nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, tăng thặng dư vốn cho công ty, nâng cao năng lực tài chính và thu hút đầu tư với các đối tác lớn. Với giá đóng cửa ngày 7/7 là 66.700 đồng/cổ phiếu, ước tính nếu bán thành công toàn bộ cổ phiếu quỹ, TRC sẽ có thể thu về số tiền khoảng 58,36 tỷ đồng.

TRC dự kiến bán toàn bộ 875.000 cổ phiếu quỹ, chi 75 tỷ đồng trả cổ tứcNgành cao su trước áp lực truy xuất nguồn gốc từ EUDR

Cũng trong cùng ngày đó, Cao su Tây Ninh đã thông tin về phương án thanh toán cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt, với tỉ lệ thực hiện 25%/mệnh giá (1 cổ phiếu nhận được 2.500 đồng).

Với 30 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Cao su Tây Ninh sẽ chi khoảng 75 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP sẽ nhận về 45 tỷ đồng khi sở hữu 18 triệu cổ phiếu TRC, tương đương 60% vốn. Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG sẽ thu về 3,61 tỷ đồng khi sở hữu hơn 1,44 triệu cổ phiếu TRC, chiếm tỉ lệ 4,82% vốn điều lệ.